Ngôi nhà của một Doanh nhân trong Truyện Kiều

KTS, Nhà thơ Minh Trí
(Phó VP Đại diện Hội Kiều học Việt Nam tại Hải Phòn
g)

Bài viết tham gia Hội thảo: “Doanh nhân với Truyện Kiều và Truyện Kiều với Doanh nhân” do Hội Kiều học Việt Nam và Tổng Công ty Hanvico đồng tổ chức.

alt

Truyện Kiều của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du- danh nhân văn hóa thế giới dài 3254 câu. Trong đó tôi thấy thú vị với 10 câu, từ câu 275 đến câu 284 tả về ngôi nhà của một doanh nhân như sau:

275.Là nhà Ngô Việt thương gia,

Buồng không để đó người xa chưa về.

Lấy điều du học hỏi thuê,

Túi đàn cặp sách đề huề dọn sang,

Có cây, có đá sẵn sàng,

Có hiên Lãm Thúy, nét vàng chưa phai.

Mừng thầm chốn ấy chữ bài:

“Ba sinh âu hẳn duyên trời chi đây!”,

Song hồ nửa khép cánh mây,

284.Tường đông ghé mắt ngày ngày hằng trông.

Ngô Việt là một doanh nhân thời bấy giờ, thường phải đi buôn bán xa nhà, kinh doanh ở nước Ngô, ở nước Việt; Cũng như các doanh nhân bây giờ vậy. Một doanh nhân thành đạt thường có ít nhất 3 ngôi nhà: Một ngôi nhà xây làm văn phòng công ty; một ngôi nhà xây để ở; và một ngôi nhà xây dành để nghỉ ngơi thư giãn cuốn tuần. Với công thức vui là: 1, 2, 3, 4, 5, 6; Tức là: 1 vợ, 2 con, 3 nhà, ôtô 4 bánh, đi 5 châu bốn biển và kết thúc là vào 6 tấm.

Chính vì thế ngôi nhà của doanh nhân Ngô Việt trong Truyện Kiều xây xong rất đẹp kia ở ngay cạnh nhà Vương Thúy Kiều, nhưng chưa có người ở:

Là nhà Ngô Việt thương gia,

Buồng không để đó người xa chưa về.

Và đây chính là cơ hội tuyệt vời cho Kim Trọng với cái cớ là đang du học tìm đến thuê nhà của doanh nhân Ngô Việt về ở:

Lấy điều du học hỏi thuê,

Túi đàn cặp sách đề huề dọn sang,

Ngôi nhà của doanh nhân Ngô Việt trong Truyện Kiều được Nguyễn Du tả rất đẹp và có nhiều nét phong thủy độc đáo:

Có cây, có đá sẵn sàng,

Có hiên Lãm Thúy, nét vàng chưa phai.

Đây là một ngôi nhà được thiết kế theo phong cách “nhà vườn” có cây, có đá non bộ, hòn giả sơn. Đặc biệt có “hiên Lãm Thúy” cực kỳ tinh tế là nơi để xem cây xanh, cây cảnh, cây thế và còn rất mới vì “nét vàng chưa phai”. Ngôi nhà này còn có vị trí phong thủy đắc địa và một chút như “nhân duyên- tiền định”; khiến cho Kim Trọng khi nhìn thấy hai chữ “Lãm Thúy” thì cho rằng đây chính là nơi để chàng trông đợi Thúy Kiều. Vì thế Kim Trọng đã thốt lên rằng:

Mừng thầm chốn ấy chữ bài:

“Ba sinh âu hẳn duyên trời chi đây!”,

Ngôi nhà của doanh nhân Ngô Việt đó, âu phải chăng là được thiết kế, xây dựng không chỉ dành cho chủ nhân của nó là một thương gia, doanh nhân giỏi xuôi ngược buôn bán khắp nơi, lâu lâu mới về nhà nghỉ ngơi thư giãn, tái tạo sức lao động. Mà ngôi nhà đó sau khi xây xong đã làm được một việc mà chính nó không ngờ tới: Xe duyên cho một mối tình văn học nổi tiếng thế giới giữa Kim Trọng và Thúy Kiều, chính bởi sự thiết kế kiến trúc ngẫu nhiên đó:

Song hồ nửa khép cánh mây,

Tường đông ghé mắt ngày ngày hằng trông.

“Song hồ” là cửa sổ dán giấy, bây giờ trong kiến trúc Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam và một số nơi trong thiết kế nội thất vẫn đang sử dụng. Nửa khép nửa mở là ý Kim Trọng luôn trong trạng thái ngóng đợi Thúy Kiều. Và “cánh mây” tức là cửa “phòng mây”, “phòng mây” là tên nhà ở của các nhà tu hành. Và Kim Trọng ví phòng ở của mình với phòng ở của các nhà tu hành, điều đó chứng tỏ: Chất “sĩ” trong con người Kim Trọng rất lớn. Và trong tâm thức, tình yêu Kim Trọng dành cho Thúy Kiều có gì đó rất thiêng liêng, cao cả, không nhuốm mùi dung tục. Và theo thiết kế kiến trúc nội thất trong ngôi nhà của doanh nhân Ngô Việt, hàng ngày Kim Trọng vẫn: “Tường đông ghé mắt ngày ngày hằng trông”. Để rồi có một thiên tình sử độc đáo nhưng cũng đầy thương yêu, đầy oan trái, đầy nước mắt giữa Thúy Kiều vả Kim Trọng.

Câu chuyện ở đây là sự tác động của doanh nhân Ngô Việt vì phải đi làm ăn xa, lại có kinh tế đầu tư xây nhiều nhà; Cũng tương tự như các doanh nhân giỏi thời nay vậy. Chính vì thế doanh nhân Ngô Việt mới có một ngôi “nhà vườn” kiến trúc đẹp, nhưng không có người ở, lại tọa lạc ngay cạnh nhà Vương Thúy Kiều; ngẫu nhiên dành cho Kim Trọng tìm đến thuê. Và sự tình cờ ấy, tác động ấy; chính là một trong những mối nhân duyên trong muôn vàn mối nhân duyên khác giữa “Doanh nhân với Truyện Kiều và Truyện Kiều với Doanh nhân”.

Hải Phòng mùa Vu Lan 2017

MT

Bài viết khác

Tác giả: minhtri