“Cao chạy xa bay” hay “Cao bay xa chạy”

Tình cờ tôi được xem một video trên mạng youtube có chủ đề rất thú vị: “Bàn về những câu tục ngữ, thành ngữ Việt Nam bị hiểu sai”. Video càng hấp dẫn tôi hơn vì diễn giả là một vị Linh mục người Việt đang định cư ở nước ngoài. Tôi cảm phục ông vì đã công phu sưu tầm được nhiều câu thành ngữ, tục ngữ nói sai, hiểu sai hoặc tối nghĩa, thậm chí là vô nghĩa và đưa ra chỉnh sửa rất thuyết phục, làm sáng rõ ý nghĩa của câu, góp phần làm trong sáng, phong phú thêm kho tàng thành ngữ, tục ngữ dân gian trong tiếng Việt.

Nhưng tôi bỗng chững lại khi diễn giả dẫn đến câu “Cao chạy xa bay” và ông cho đó là một câu ví sai, cần phải sửa lại cho đúng là “Cao bay xa chạy”. Tôi đặc biệt chú ý khi ông dẫn ra một câu Kiều, là lời của chàng Thúc Sinh nói nhẹ tênh với nàng Kiều như một cách phủi tay vô trách nhiệm trước tình cảnh éo le trớ trêu của cuộc tình hai người, do chính chàng gây ra:

“Liệu mà cao chạy xa bay

Ái ân ta có ngần này mà thôi”

Theo tôi thì đây là một câu thơ thật tài hoa của Cụ Nguyễn, khắc họa sắc nét tính cách của chàng Thúc, vừa lụy tình lại vừa nhu nhược.

Rất may, diễn giả cũng là người khá thận trọng khi đụng tới ngôn ngữ Truyện Kiều và trí tuệ uyên thâm của Cụ Nguyễn. Theo ông thì chắc chắn Cụ viết đúng “xa chạy cao bay”, rồi xảy ra sai sót này có thể do truyền khẩu, tam sao thất bản, hoặc do thợ khắc in bản gỗ thời xưa đã khắc sai. Như ngày nay ta hay nói là “Lỗi tại thằng đánh máy” ấy. Tôi thở phào khi được nghe ông lý giải cẩn trọng như vậy.

 

Về câu thành ngữ này, tôi có suy nghĩ khác ông. Xin được nêu ra ở đây để chúng ta cùng tham khảo. .

Trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt có một lối đảo từ phi logic. Tôi không rõ thuật ngữ chuyên môn gọi là gì nên xin được tạm gọi là “ví chéo”, thường hay gặp ở những cấu trúc câu thành ngữ có 4 âm tiết. Nếu chỉ gặp một câu, ta có thể nghĩ là “ví sai”, nhưng chúng ta lại gặp nhiều câu “ví sai” như thế. Thực ra khi sáng tạo ra, các cụ nhà ta đã cố ý nói chéo đi. Quả thật, cách nói chéo này gây ấn tượng mạnh hơn, hiệu quả hơn, giúp nhấn mạnh sự việc được ám chỉ và tạo nên ngữ điệu mượt mà hơn. Xin được dẫn thêm ra đây một số câu thành ngữ ví chéo thường gặp:

TT VÍ CHÉO VÍ ĐÚNG
1 Cao chạy xa bay Cao bay xa chạy
2 Con ông cháu cha Con cha cháu ông
3 Nhường cơm sẻ áo Nhường áo sẻ cơm
4 Trời quang mây tạnh Trời tạnh mây quang
5 Ruồi bu kiến đậu Ruồi đậu kiến bu
6 Trong giá trắng ngần Trong ngần trắng giá

Các bạn cũng có thể tìm thêm những câu ví chéo khác tương tự như cấu trúc này nữa nhé…

*

Trong kiệt tác Truyện  Kiều, Đại thi hào  Nguyễn Du cũng đã sử dụng nhuần nhuyễn nhiều thành ngữ có cấu trúc 4 âm tiết theo lối đảo từ có ví chéo hoặc ví đúng mà ta thường hay gặp. Ví dụ như:

 

“Nào người phượng chạ loan chung

Nào người tiếc lục tham hồng là ai?”

 

“Tiếc thay trong giá trắng ngần

Đến phong trần cũng phong trần như ai”

 

“Biết bao bướm lả ong lơi”

Cuộc vui đầy tháng trận cười suốt đêm”

 

“Mặt sao dày gió dạn sương

Thân sao bướm chán ong chường bấy thân”

 

“Liệu mà cao chạy xa bay

Ái ân ta có ngần này mà thôi”

Cụ Nguyễn không chỉ  “nói chéo” thành ngữ 4 âm tiết mà ta còn thấy Cụ “nói chéo” cả một mệnh đề. Trong đoạn văn khấn “Hương hỏa gia đường” ở Lầu xanh của Tú Bà khi mua được Thúy Kiều về, Cụ đã để cho mụ khấn:

“Cửa hàng buôn bán cho may

Đêm đêm Hàn thực, ngày ngày Nguyên tiêu”…

Lễ “Hàn thực” là lễ ngày  ăn đồ nguội, cấm nấu nướng. Còn “Nguyên tiêu” là lễ đêm rằm tháng giêng. Vậy sao không phải là “Đêm đêm Nguyên tiêu, ngày ngày Hàn thực”? Có phải Cụ đảo lại cho câu thơ giữ được vần điệu, bằng, trắc không? Tôi cho rằng không phải vậy. Việc gieo vần thơ lục bát của Cụ vô cùng biến hóa uyển chuyển, sẽ không có gì khó khăn nếu Cụ muốn nói cho đúng mà câu lục bát vẫn không thất vận. Cụ đã cố ý nói chéo đi cả một mệnh đề, thành “Đêm đêm Hàn thực, ngày ngày Nguyên tiêu” cũng không ngoài mục đích tăng thêm sức biểu cảm của câu thơ, nói về việc nô nức ăn chơi trong hai ngày lễ đó.

*

Cách đảo từ phi logic từ những cặp từ ghép giúp nhấn mạnh sự việc được ám chỉ và tạo nên cách nói thuận miệng. Đó cũng là quy luật hình thành nghĩa biểu trưng của các thành ngữ loại 4 âm tiết.

Tóm lại, khi tiếp nhận một câu thành ngữ, tục ngữ, ta nên hiểu theo nghĩa biểu trưng, nghĩa ẩn dụ, chứ không nên hiểu một cách cứng nhắc.

Lạm bàn một chút về một hiện tượng “nói chéo, ví chéo” trong thành ngữ tục ngữ tiếng Việt và cách khai thác vận dụng dụng tài tình của Cụ Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Mong được mọi người tham khảo và góp thêm ý kiến để cùng phát hiện thêm những điều kỳ thú trong ngôn ngữ Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du.

 

TP HCM, Tháng 9 năm 2023

          Nguyễn Chí Bảo

 

 

Bài viết khác

Tác giả: minhtri