Bà Trần Thị Tần, thân mẫu Đại thi hào Nguyễn Du sinh ra trong một gia đình thuộc hàng danh gia vọng tộc ở thôn Hoa Thiều, xã Hương Mạc, huyện Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc ( nay là thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh ). Dòng họ Trần có nhiều người đỗ Tiến sỹ, làm quan to trong triều đình Lê, Nguyễn. Bắc Ninh có nhiều làng Tiến sỹ. Hương Mạc cũng là một làng Tiến sỹ. Được sinh ra và trưởng thành ở một vùng quê văn hiến, lại xuất thân trong một dòng họ có truyền thống học hành, đỗ đạt, thân mẫu Nguyễn Du chắc chắn được hưởng một nền giáo dục Nho giáo và được tiếp thu những tinh hoa văn hóa của quê hương. Một trong những tinh hoa tiêu biểu đó là dân ca Quan họ. Cũng có thể từ những hội hát tại gia đình, làng, xã của những người thân là các quan viên trong dòng họ mà bà Trần Thị Tần đã tích lũy cho mình những bài dân ca ngọt ngào, đằm thắm đó. Dù không sống ở quê mẹ, nhưng chắc rằng nhà thơ vĩ đại đã được lời ru, tiếng hát của người mẹ thân yêu nuôi dưỡng tâm hồn thi sỹ từ thơ bé.
Dân ca Quan họ Bắc Ninh là những câu hát giao duyên giữa các “ liền anh”, “liền chị’ trong các làng xã vào mùa Xuân vào các dịp lễ hội. Nội dung các lời hát là bày tỏ tình cảm đối với quê hương đất nước và đặc biệt là tình yêu trai gái. Trong Truyện Kiều, cuộc đời truân chuyên của nàng Kiều như là nỗi bất hạnh của thân phận con người, mối tình đẹp giữa Thúy Kiều và Kim Trọng được Nguyễn Du miêu tả qua những câu thơ đậm chất trữ tình. Đó là những nội dung mà người nghệ nhân Quan họ khai thác biến nó thành những lời ca Quan họ đằm thắm, mượt mà.
Hầu hết các lời ca Quan họ nếu viết thành lời, ( bỏ đi những tiếng luyến láy, đưa hơi ) thì đó là những câu thơ lục bát. Nó ảnh hưởng sâu sắc ca dao trong văn học truyền miệng. Truyện Kiều cũng được viết theo thể thơ lục bát, do đó tiếp nhận những câu Kiều thành lời ca Quan họ cũng thuận lợi.
Để có những lời ca mượt mà đó, các nghệ nhân Quan họ, ngoài những sáng tác của họ là chủ yếu, đã biết khai thác các lời ca từ văn học dân gian, đó là ca dao Việt Nam và của các Truyện Nôm, của Truyện Kiều.
Lời ca Quan họ tiếp nhận câu thơ Kiều với những cách sau đây:
+ Cách thứ nhất:Lấy cả một đoạn của Kiều để sáng tạo thêm những làn điệu Quan họ mới. Trong dân ca Quan họ, hình thức hát đối đáp, hay hát giao duyên đều có biểu hiện cách tiếp nhận này. Những làn điệu mới đó được đặt tên bằng những chữ đầu tiên của lời ca trích từ câu thơ Kiều
Thí dụ: Một làn điệu mới: Điệu Thanh minh
Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh
Gần xa nô nức yến anh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân
Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước áo quàn như nêm
Ngổn ngang gò đống kéo lên.
Hoặc điệu Sầu đong:
Sầu đong càng lắc càng đầy
Ba thu dọn lại một ngày dài ghê
Mây Tần khóa kín song the
Bụi hồng liệu nẻo đi về chiêm bao
Vầng trăng khuyết, đĩa dầu hao
Mặt tơ tưởng mặt, lòng ngao ngán lòng
Phòng văn hơi giá như đồng
Trúc se ngọn thỏ tơ trùng phím loan
Hay điệu Kim thoa:
Buông đàn xôc áo vội ra
Hương còn thơm ngát, người đà vắng tanh
Đôi bên tường gấm dạo quanh
Nhác trông đã thấy một cành kim thoa
Đôi tay nâng lấy vào nhà
Phải trong khuê các đâu mà đến đây.
Ngẫm xem của ấy báu này
Chả duyên hồ dễ về tay ai cầm
Trên tay ngắm nghía khen thầm
Vẫn còn thoang thoảng hương trầm chưa phai
Tan sương đã thấy bóng người
Quanh tường ra ý tìm tòi ngẩn ngơ.
Và điệu Nặng lòng xót liễu vì hoa:
Nặng lòng xót liễu vì hoa
Xa xôi đã biết đâu mà dám thưa
Lặng nghe nhời nói như ru
Chiều Xuân dễ khiến nét thu ngại ngùng
Dù khi lá thắm chỉ hồng
Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha
Đừng điều nguyệt nọ hoa kia
Ngoài ra ai có tiếc gì với ai.
Xin đừng bướm lả ong lơi
Rõ cho thưa hết một nhời đã nao.
Truyện Kiều cũng có một số đoạn được đưa vào cuộc thi hát đối đáp. Thí dụ: Bên đối hát làn điệu: Sầu đong càng lắc càng đầy:
Sầu đong càng lắc càng đầy
Ba thu dọn lại một ngày dài ghê
Mây Tần khóa kín song the
Bụi hồng liệu nẻo đi về chiêm bao
Vầng trăng khuyết, đĩa dầu hao
Mặt tơ tưởng mặt, lòng ngao ngán lòng
Phòng văn hơi giá như đồng
Trúc se ngọn thỏ, tơ trùng phím loan
Bên đối lại hát điệu: Thương nhau xin nhớ lời nhau:
Thương nhau xin nhớ lời nhau
Năm chầy cũng chẳng đi đâu mà chầy
Chén đưa nhớ buổi hôm nay
Chén mừng xin đợi ngày rày năm sau
Người lên ngựa, kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san,
Dặm hồng bụi cuốn chinh an
Trông người đã khuất mấy nàn dâu xanh.
Cách đối như trên, trong hội thi hát đối Quan họ gọi là đối lời, bởi bên đối và bên đối lại hát hai làn điệu khác nhau dẫu đều lấy lời Truyện Kiều.
So với nguyên tác của Truyện Kiều thì có những từ trong các làn điệu được sáng tạo có thể chưa đúng với nguyên bản nhưng nên hiểu, dân ca Quan họ là văn nghệ dân gian, cho nên tính dị bản của văn nghệ dân gian là không tránh khỏi.
+ Cách thứ hai: Kết nối những câu, những đoạn Kiều khác nhau để tạo nên một làn điệu Quan họ mới: Điệu Ông tơ ghét bỏ chi nhau bày tỏ sự son sắt, thủy chung trong tình yêu lứa đôi:
Ông tơ ghét bỏ chi nhau
Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi
Quản bao nước chảy hoa trôi
Nghĩ người dãi gió lòng tôi xót thầm
Đã nguyền hai chữ đồng tâm
Trăm năm thề chẳng ôm cầm thyuền ai
Còn non, còn nước còn dài
Tôi về còn nhớ đến người hôm nay
Cách tiếp thu và sáng tạo làn điệu mới thứ hai cũng có trong làn điệu: Vật đổi sao dời:
Dẫu rằng vật đổi sao dời
Dẫu thay mái tóc dám rời lòng tơ.
Trăng thề ai xẻ làm hai
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường
Người về chốn cũ phòng hương
Tôi thời giãi tấm can trường bấy nay.
Chén thề nhớ buổi hôm nay
Chén mừng xin đợi ngày rày năm sau.
+ Cách thứ ba: Có những lời ca Quan họ đưa thêm một số câu Kiều để bày tỏ những sắc thái tình cảm của tình yêu: Chẳng hạn: Lấy hình ảnh Kim Kiều gặp gỡ trong tiết Thanh minh để làm quen, để bày tỏ tình cảm của “ liền anh” đối với “liền chị” trong ngày hội xuân ở các làng quê:
Hôm nay Tình mới gặp Tình
Khác nào Kim Trọng thanh minh gặp Kiều
Tiện đây hỏi một đôi điều
Đài nhang soi đến chuyện này cho chăng?
Diệu Thường thấp thoáng bóng trăng
Ai đem người ngọc tung tăng chốn này.
Cũng có khi mượn những câu Kiều để diễn tả nỗi nhớ của buổi đầu gặp gỡ:
Những là đắp nhớ đổi sầu
Tuyết sương rụng xuống mái đầu huê râm
Gió bắt mưa cầm
Không bằng vắng mặt tri âm một ngày
Bây giờ trông thấy nhau đây
Bõ công ao ước bõ ngày ước mơ.
Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông
Khi tiếp nhận Truyện Kiều, các nghệ nhân Quan họ đã làm phong phú thêm số lượng cũng như chất lượng các làn điệu trong hát đối đáp hay hát giao duyên của một dòng dân ca đặc sắc. Có thể nói những câu Kiều lãng mạn, trữ tình đã được dân ca Quan họ tiếp nhận, trở thành những câu hát thiết tha, đậm đà tình cảm, có sức lôi cuốn người nghe qua nhiều thế hệ. Điều đó chứng minh Truyện Kiều đã góp phần làm phong phú thêm dân ca Việt Nam, Truyện Kiều có sức sống mãnh liệt trong lòng người dân Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tùng
(Hội viên Hội Kiều học Việt Nam)