PHÁT BIỂU TẠI BUỔI CÔNG DIỄN ĐẦU TIÊN VỞ KỊCH THƠ ”HOẠN THƯ GHEN”
TẠI NHÀ HÁT THÁNG 8 – HẢI PHÒNG NGÀY 14/12/2019
Nhà giáo Hoàng Xuân Khóa
Phó CT Hội Kiều học Việt Nam
Chủ tịch Hội Kiều học Hải Phòng
Kính thưa Quý vị đại biểu, các vị khách quý cùng các thầy cô giáo. Thay mặt BTC gồm Sở GD&ĐT, Hội Kiều học và CLB sân khấu “Biển hẹn” Hải Phòng, chúng tôi xin nồng nhiệt chào đón và chân thành cảm ơn quý vị đã đến dự buổi công diễn vở kịch thơ “HOẠN THƯ GHEN” hôm nay. Nội dung vở kịch được trích từ Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du.
Đại thi hào Nguyễn Du sinh năm 1765 và mất năm 1820. Năm sau chúng ta sẽ kỷ niệm 200 năm ngày giỗ của Đại thi hào. Như chúng ta đã biết vào năm 2015, nhân kỷ niệm 250 ngày sinh của Đại thi hào Nguyễn Du, tổ chức văn hóa giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) đã vinh danh Ông là Danh nhân văn hóa thế giới vì những đóng góp to lớn của Ông cho văn chương Việt, cho văn hóa Việt qua sáng tác của Ông, nhất là truyện Kiều. Từ hơn 200 năm nay, Truyện Kiều được các thế hệ người Việt yêu thích. Người ta ngâm Kiều, vịnh Kiều, lẩy Kiều, tập Kiều, bói Kiều,… và Truyện Kiều cũng đã lên sân khấu dưới nhiều hình thức nghệ thuật như: tuồng, chèo, cải lương, kịch nói, múa rối, hợp xướng,… Không chỉ người Việt chúng ta mà bạn bè năm châu bốn biển cũng yêu thích Truyện Kiều. Từ năm 1924 đến nay, Truyện Kiều đã được dịch ra trên 10 thứ tiếng với trên 20 bản dịch khác nhau. Mỗi người Việt chúng ta đều biết ơn và tự hào về những vinh quang mà Đại thi hào Nguyễn Du – Danh nhân văn hóa thế giới đã đem lại cho văn chương Việt, cho văn hóa Việt.
Việc gìn giữ và phát huy những di sản văn hóa vô giá mà thi hào để lại cho chúng ta là nhiệm vụ của mỗi người Việt Nam, nhưng trước hết là của ngành Giáo dục, mà trực triếp nhất là các thầy cô giáo giảng dạy môn Ngữ văn ở các trường trung học. Để tiến tới kỷ niệm 200 ngày giỗ của Đại thi hào Nguyễn Du vào tháng 9/2020, trong những năm qua Hội Kiều học trong cả nước đã có những hoạt động sôi nổi và có ý nghĩa như: Hội thảo về việc giảng dạy Nguyễn Du và Truyện Kiều trong nhà trường được tổ chức tại Hải Phòng, thi đọc thuộc Truyện Kiều ở Hà Nội và Hà Tĩnh, diễn Truyện Kiều dưới nhiều hình thức nghệ thuật trên sân khấu ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh,… Để hưởng ứng và chuẩn bị tiến tới kỷ niệm 200 năm ngày giỗ Đại thi hào Nguyễn Du, Hội Kiều học Hải Phòng đã phối hợp với CLB sân khấu Biển hẹn dựng vở kịch thơ “Hoạn thư ghen” được trích từ truyện Kiều theo kịch bản của Phương Văn – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nguyễn Du. Các nghệ sĩ trong CLB sân khấu Biển hẹn, một thời là những ngôi sao trên sân khấu cả nước. Ở tuổi “Cổ lai hy” đã tưởng nghĩ đến chuyện “Rửa tay gác kiếm” để an hưởng tuổi già sau nhiều năm cống hiến cho nghệ thuật. Nhưng với tình yêu nghệ thuật, tình yêu Truyện Kiều và với trách nhiệm muốn góp phần bảo tồn di sản văn hóa do Đại thi hào để lại, “các cụ” lại “tái xuất giang hồ” tiếp tục lên sân khấu diễn cho con cháu xem với mong muốn các thế hệ con cháu sẽ thay thế các lớp người đi trước tiếp tục gìn giữ một di sản văn hóa vô giá của dân tộc. Tuy tuổi của diễn viên đã vào tuổi ông, tuổi bà của nhân vật mình đóng như nghệ sĩ ưu tú Lê Thị Hồng Minh 62 tuổi đóng vai Kiều 18 tuổi, nghệ sĩ xuất sắc Hoài Thu 70 tuổi đóng vai Hoạn Thư 20 tuổi, nghệ sĩ ưu tú Hồng Minh 80 tuổi đóng vai Thầy cúng,… Nhưng với tài năng và tấm lòng của mình, các nghệ sĩ đã truyền đạt thành công qua vai diễn của mình những gì mà Đại thi hào Nguyễn Du muốn chuyển đến người xem.
Chúng tôi hy vọng rằng, rồi đây vở kịch sẽ được diễn và phục vụ cho các em học sinh trung học như là một trải nghiệm thực tế sinh động cho chương trình văn học trung đại trong chương trình cải cách giáo dục hiện nay. Mặt khác, vở kịch cũng mang hơi thở của thời đại chúng ta. Chúng ta xem “Hoạn thư ghen” sẽ thấy người xưa có cái ghen đầy văn hóa nên đã giữ được hạnh phúc gia đình, góp phần giúp xã hội ổn định. Ai cũng biết “GHEN” luôn song hành và là sản phẩm tất yếu của tình yêu. Nhưng nếu có những hành động ghen như đã diễn ra khá phổ biến trong xã hội chúng ta như đón đường lột đồ, rạch mặt, tạt axit,… thì khó mà giữ được hạnh phúc gia đình và tình yêu đôi lứa. Chúng tôi mong muốn các gia đình, các bạn trẻ xem gương người xưa qua “Hoan thư ghen” để có hành xử văn hóa phù hợp nhằm giữ gìn hạnh phúc gia đình và tình yêu trong sáng.
Nhân dịp này, thay mặt BTC, chúng tôi xin chân thành cảm ơn Sở Văn hóa, Sở GD&ĐT, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật và CLB sân khấu Biển hẹn Hải Phòng. Chúng tôi cũng xin đặc biệt cảm ơn Ông Nguyễn Sơn Nam, một người Mỹ gốc Việt, một người con của Hải Phòng đã tài trợ cho vở kịch này ra đời.
Xin gửi tới quý vị lời chúc sức khỏe, hạnh phúc. Chúc buổi diễn của chúng ta thành công tốt đẹp.
HXK