Năm xa ấy anh Trần Minh Báo, Chủ tịch huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa đón đoàn viết lách về chơi huyện nhà. Lèn chặt trên chiếc U – Oát cà tàng là những nhà văn Nguyễn Bảo, Phạm Hoa, nhà thơ Nguyễn Hồng Hà, Vương Trọng (Văn nghệ QĐ) Kim Cúc (Đài tiếng nói VN)…
(Nhà thơ Vương Trọng)
Đường về Vĩnh Lộc rồi Thành Nhà Hồ không được thông thoáng như bây giờ. Đi đường tắt lối trục đường Hồ Chí Minh. Qua Thạch Thành, Kim Tân chiếc U-Oát khựng lại giữa chiều đông trước một chi lưu của sông Mã gọi là sông Bưởi có con phà tên là Cổ Tế.
Phà Cổ Tế thuộc đất Thạch Thành. Qua phà là đất Vĩnh Lộc. Nay đã thênh thang một cây cầu hiện đại. Nhưng thời ấy khổ cho chúng tôi ngày đàng gang nước, phà trục trặc phải đợi suốt lưng một buổi chiều.
Cả đám cười bởi chẳng ai gọi phà Cổ Tế mà trại đi là khổ thế
Cũng may! Lâu lắm cả bọn mới được xoài người bên vệ cỏ may ngay ven mép nước sông Bưởi. Thôi thì chuyện trời chuyện đất…
Trong đám dân và quân viết trên xe, lần đầu tôi được đi với nhà thơ Vương Trọng.
Vương Trọng ngó trẻ hơn tuổi. Vui tính. Hóa ra cái câu bố cho con ăn bố cười con cười/ Con cho bố ăn con khóc bố khóc về một khúc nhôi nhưng dằng dặc của đời người hai cha con chăm nhau. Cười nhưng ra nước mắt ấy, lâu nay tôi cứ ngỡ tác giả là nhà văn Thanh Tịnh nhưng bữa ấy mới biết đích tác giả là ông Vương Trọng đây!
Ngồi một chặp trên xe phát lộ ngay là thi sĩ Vương Trọng rất chi là thuộc Kiều, máu Kiều!
Thuộc rồi trích đã đành hay một nhẽ, nhưng Vương Trọng có cái lối vận Kiều, đố Kiều hơi bị độc đáo.
Hấp dẫn là khi Vương Trọng ứng khẩu tức thì vừa bác học vừa bình dân cùng cả sự tếu táo…
Tỷ như Nguyễn Du nói việc đi máy bay dưới thời Kiều như thế nào? Đợi cả đám tắc tỵ, Vương Trọng mới nhẩn nha đùng đùng gió giục mây vần/ Một xe trong cõi hồng trần như bay.
Thế đoạn nào Kiều… chửa?
Kiều có thai? Mặt nghiêm. Không cười. Vương Trọng đủng đỉnh thất kinh nằng chửa biết mình sao đây.
Rồi cảnh Kim Trọng… táo bón? Chịu! Nhưng Vương Trọng có ngay Khi tựa gối khi cúi đầu/ Khi vò chín khúc khi chau đôi mày.
Chịu cho tài chàng Vương. Vương Trọng!
Có một chặp trên xe cả bọn cười nghiêng ngả về sự phát hiện của nhà văn Phạm Hoa minh chứng những họ hàng hang hốc Vương Trọng. Không họ hàng thì cũng dây mơ rễ má với nhiều nhân vật trong Kiều.
Này nhá Vương Trọng tên thật là Vương Đình Trọng sinh 1943; quê Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Nhưng từ khi nhập môn vào làng thơ, đã bỏ chữ đệm (Đình) lấy bút danh là Vương Trọng. Nàng Kiều trong Truyện Kiều họ Vương (Vương Thúy Kiều), người yêu của Kiều là Kim Trọng. Như vậy ngay thuở lọt lòng lão này đã mang họ của nàng Kiều, còn tên thì trùng với chàng Kim.
Phạm Hoa vẫn không tha, tố tiếp: Lão này (Vương Trọng) đã đặt tên cho con trai đầu của mình là Vương Liêu Dương (quê Kim Trọng ở Liêu Dương). Năm ấy, biết vợ mang bầu đúng lúc lão phải vào Nam công tác. Lão bèn ghi ra giấy, đề nghị vợ khi sinh nếu là con trai thì đặt Vương Liêu Dương, còn con gái đặt Vương Lam Kiều (Lam Kiều cũng là một địa danh được Truyện Kiều hay nhắc tới).
Rồi nữa, tên phu nhân của nhà thơ Vương Trọng cũng lại là Vân, ứng với câu chuyện của chàng Kim Trọng và nàng Thúy Vân khi gia đình Kiều trong cơn nguy biến!
Ngạc nhiên quá. Nhưng tôi tin Phạm Hoa. Vốn hàng xóm với Vương Trọng lại bao năm cùng nhà số 4 Lý Nam Đế chắc thuộc gia cảnh nhau lắm?
Công nhận, Vương Trọng không những thuộc Kiều mà Vương Trọng nhiều lúc làm cho không khí trên xe thoắt trở nên đờ đẫn! Vốn sở hữu một chất giọng ma mỵ, một chút chất giọng Nghệ pha Bắc với một chút ngân nga nên mỗi khi anh tái bản câu Kiều nào đó, có cảm giác những câu Kiều ấy mang một dư vị hơi bị lạ?
Chuyện lúc đứt khi nối trên chiếc U Oát gập ghềnh. Tôi biết thêm 3 tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du, Vương Trọng đều dụng công chế tác lại thành lục bát trên ngữ nghĩa đã được dịch sang tiếng Việt. Nhà thơ Vương Trọng còn liên miên được mời đi nói chuyện khắp nơi về thơ Kiều. Cũng là người chịu trách nhiệm chính trong những cuộc thi tìm hiểu Truyện Kiều qua lẩy Kiều, đố Kiều trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam…
Cụ Tiên Điền qua đời ở tuổi 65, có 18 người con với 3 bà vợ. Bà cả một con, bà hai một con, bà ba (thiếp) 16 con. Thông tin ấy tôi đã chép từ câu chuyện của nhà thơ Vương Trọng.
Có một lúc, Vương Trọng tỷ mẩn cụ thể của một nhà nghiên cứu. Phong phú thay và cũng nhiêu khê thay Kiều? Bởi thời điểm này vẫn chưa có văn bản Kiều thống nhất. Mà trong 3.254 câu Kiều có tới hơn ngàn câu chữ có dị bản…
Câu chuyện trở nên thú vị khi Vương Trọng bộc bạch một công trình của mình là chọn lựa trong Truyện Kiều những cặp lục bát hay nhất! Vương Trọng xuýt xoa, một trong rất nhiều lý do để Truyện Kiều trở thành tuyệt tác có một không hai trong lịch sử văn học nước ta hơn hai thế kỷ qua là nhiều câu thơ trong tác phẩm này có sức thoát ly hoàn cảnh cụ thể của tác phẩm để tự lập sống cuộc đời riêng trong từng hoàn cảnh của độc giả. Rất nhiều câu Kiều có thể thoát ly Truyện Kiều mà sống trong cuộc sống hàng ngày, làm giàu thêm ngôn ngữ dân Việt. Nói chung phần lớn những câu Kiều hay đều có sức sống độc lập như thế.
Chỉ khi bập vào việc ngồi chọn những câu thơ hay trong Truyện Kiều, tôi mới thấy mình cả gan vì bập vào một việc như quá sức! Lúc đầu tôi “sơ tuyển” 100 câu thì chưa đến nỗi khó lắm, nhưng khi rút xuống 50, thật nan giải, gạt bỏ câu nào cũng thấy tiếc.
Để giúp các bạn trẻ thời nay, có thể vì quá bận rộn với việc mưu sinh, không có đủ thời gian đọc hết toàn bộ Truyện Kiều, tôi xin chọn 50 câu (50 cặp lục bát) mà tôi cho là hay nhất, để trong một quãng thời gian ngắn, bạn đọc có thể tiếp cận với những câu Kiều đặc sắc, đồng thời với các bạn đang yêu, may chăng từ những câu Kiều này, có thể “hoạt ngôn” hơn trong những trạng thái khó xử của cuộc sống.
… Bên vệ cỏ may sát mép nước sông Bưởi, tôi gạ Vương Trọng tái bản tiếp Bên mộ cụ Nguyễn Du.
Vương Trọng chưa đọc ngay. Mà nhẩn nha mà lớp lang của cái giống biên khảo khiến cho câu chuyện chiều đông xứ Thanh bỗng trở nên thú vị.
Đó là một ngày mùa thu đầu những năm tám mươi. Vương Trọng tình cờ lần đầu ghé Tiên Điền.
Nguyễn Du mất năm 1820, năm 1824 con trai ông là Nguyễn Ngũ cải táng mộ cha về xứ Đồng Mát, sau dời về xứ Đồng Thánh, đặt trong vườn nhà Nguyễn Du ở Tiên Điền.
Vương Trọng thầm thốt lên trời ơi, danh ấy cảnh này… Những tưởng mộ đại thi hào dân tộc Nguyễn Du nếu chưa kịp khang trang thì cũng chả nên khuất lấp giữa thập loại chúng sinh thế này? Căn nguyên, duyên do chắc hỏi ra thì lắm thứ. Nhưng tiều tụy heo hắt sơ sài thế này quả không phải với tiền nhân.
Một bài báo đánh động thực trạng phần mộ cụ Nguyễn Du? Có thể! Nhưng tiếc thời điểm đó chưa ló dạng? Trong tay Vương Trọng chỉ có mỗi thơ! Thơ như một thứ hiệu ứng với công năng công phá riêng? Bên mộ cụ Nguyễn Du đăng lên mặt báo năm 1982 có cả phần thông tấn trần trụi cùng nhân văn nỉ non thống thiết ấy tưởng như chìm lút trong bộn bề mưu sinh thời bao cấp, nhưng đùng cái đã làm bừng thức dư luận đất Nghi Xuân rồi Nghệ Tĩnh và xa hơn… Hóa ra thơ hay luôn là của hiếm và có sức sống mạch ngầm riêng. Chả thế mà Đỗ Phủ có câu ngữ bất kinh nhân tử bất hưu (câu thơ không làm người khác kinh sợ thì chết chả nhắm được mắt). Khắp các giới, từ văn học đến chính quyền và lan ra quần chúng. Sau đó có nhiều cuộc hội thảo về mộ Nguyễn Du… Nhưng cũng phải mãi đến năm 1989, công trình tôn tạo lại phần mộ cụ Nguyễn Du mới bắt đầu với kinh phí hơn 6 tỷ đồng. Sau này tiếp nối là Khu tưởng niệm khang trang …
Nguồn: Tiền Phong