Nguyễn Du đã thể hiện lòng xót thương nhân dân, những nạn nhân của chế độ phong kiến bất công, vô nhân đạo bằng những câu thơ tố cáo, lên án bọn gian thương cấu kết với bọn cầm quyền vô trách nhiệm, ích kỷ và tham nhũng, gieo rắc đau thương cho dân lành.
Làm tan nát, chia ly bao gia đình vô tội. Gia đình và cuộc đời Thúy Kiều là một trường hợp điển hình:
– Già giang một lão, một trai (579)
Một dây vô lại buộc hai thâm tình
– Phải tên xưng xuất tại thằng bán tơ
Tiếng oan dậy đất án ngờ lòa mây
– Dường cao rút ngược dây oan (593)
Dẫu là đá cũng nát gan lọ người!
– Oan này còn một kêu trời nhưng xa
Một ngày lạ thói sai nha
Làm cho khốc lại chẳng qua vì tiền.
Nguyễn Du đã thể hiện lòng xót thương cao độ đối với giới phụ nữ, qua hai lần ông thốt lên: “Đau đớn thay phận đàn bà” (Câu 83 trong Truyện Kiều và câu 115 trong “Văn chiêu hồn”)
Cuộc đời bất hạnh của Đạm Tiên, Cô Cầm, Thúy Kiều và cả chi tiết “Tái hồi Kim Trọng” tẻ nhạt, vô hậu, cũng nói lên sự cảm thương sâu sắc của Nguyễn Du đối với “phái yếu” dưới chế độ phong kiến bất công.
Để Kiều trở về làm “vợ danh dự”, “hữu danh vô thực” với Kim Trọng. Nguyễn Du không hề có ý định cho Kiều được hưởng hạnh phúc lứa đôi với người yêu cũ của mối tình đầu. Bởi vì trong đêm tân hôn, hai người không có biểu hiện gì thuộc quan hệ vợ chồng. Sau một đêm trắng giãi bày hết với nhau những nỗi niềm tâm sự trong mười lăm năm xa cách vẫn:
Hai tình vẹn vẽ hòa hai (3.226)
Chẳng trong chăn gối cũng ngoài cầm thơ.
Nếu là vợ chồng thực sự thì phải “Mình với ta tuy hai mà một” và phải “chung chăn, chung gối”. Cuối cùng thì:
Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn thầy.
Rồi Kiều lại “Tu tại gia”
Trên am cứ giữ hương dầu hôm mai
Theo nguyên tắc của nhà chùa ngày xưa: đang có vợ, có chồng thì không được tu ở chùa, chỉ được tu ở nhà. Mọi sinh hoạt vật chất, tinh thần đều như nhau (ăn chay, tụng kinh niệm Phật và không được chung đụng vợ chồng), để cho gia đình Kim Trọng vẫn:
Vườn xuân một cửa để bia muôn đời
Kim Trọng chỉ đi lại với một mình Thúy Vân. Tình tiết trên đây chứng minh rằng: Kiều không phải là người “sớm mận, tối đào như ai”, ngược lại, nàng là người “thục nữ trí cao” rất đáng được kính trọng và đề cao.
Cách xử sự trên đây của Kiều còn nói lên một điều: Những người có đức, có tài thường sẵn sàng hi sinh cho hạnh phúc của người khác. Kiều đã hi sinh cả cuộc đời mình cho gia đình, không muốn chia sẻ hạnh phúc của em. Đối với Kiều sự việc trên hoàn toàn không có nghĩa là “gương vỡ lại lành”, “hoa tàn mà lại thêm tươi”. Kiều không được hưởng một phút ân ái với Kim Trọng theo kiểu vợ chồng thực sự. Đó chỉ là ý kiến vun vào, là ước vọng của Thúy Vân và Kim Trọng mà thôi.
Lập trường kiên định của Kiều sau khi mối tình đầu tan vỡ và trải qua những ngày đầy oan khổ là đi tu, cuối cùng vẫn được thực hiện. Mặc dù Kiều đã là vợ Kim Trọng, nhưng có chồng cũng như không, vì không được “chung chăn gối”, suốt đời không có con, vì đã “tu tại gia”.
Gương đã vỡ thì không thể lành lại được. Hoa đã tàn thì không thể tươi được nữa, đó là thực tế khách quan. Nguyễn Du không hề nhầm lẫn chút nào trong việc dùng hình ảnh này. Việc đó còn nói lên rằng: trong xã hội phong kiến bất công, khát vọng về hạnh phúc của những người dân lành chỉ là ảo vọng. Cũng như mong gương vỡ lành lại.
Căn cứ những tình tiết trên đây, có thể khẳng định: Kết thúc Truyện Kiều không có hậu như nhiều người vẫn lầm thưởng là có hậu.
Nếu kết luận như cố giáo sư Hà Huy Giáp rằng: “Khi đã rũ sạch hết nghiệp chướng sau 15 năm oan khổ, lưu li bằng những hành động đạo đức được coi là giữ vẹn trung, hiếu, tiết, nghĩa như thế, Kiều lại đi tu. Nhưng rồi Kiều cũng không trót đường tu mà trở về sum họp với Kim Trọng, nghĩa là trở về đường cũ! Đúng là xã hội phong kiến, tuy đã tan rã, nhưng vẫn sống giả tạo, khác nào “gương vỡ lại lành”, “hoa tàn mà lại thêm tươi” thì chưa đúng ý Nguyễn Du. Chưa đúng với từ ngữ và ý nghĩa của đoạn thơ dài, vẫn được gọi là “tái hồi Kim Trọng”.
Nhà thơ Tố Hữu tin Nguyễn Du là thi sĩ thiên tài, không ví sai bao giờ, nhưng vì hiểu lầm ý Nguyễn Du trong tình tiết này, nên đã viêt: “Đời ta gương vỡ lại lành. Cây khô cây lại đâm cành nở hoa…” trong bài thơ “Ba mươi năm đời ta có Đảng” (Xuân 1960).
Ví một cái có thật với một cái không có thật là khập khiễng.
Có lẽ Hà Huy Giáp và Tố Hữu đều hiểu lầm rằng: Kiều trở về với Kim Trọng là được hưởng hạnh phúc vợ chồng, là có hậu.
Trong bài “Ta đi tới” viết năm 1954, Tố Hữu đã ví:
Cao như núi
Dài như sông
Trí ta lớn như biển Đông trước mặt
là hợp lý và chính xác.
Tôi xin trích dẫn một số đoạn trong bài “Phải chăng Truyện Kiều kết thúc có hậu” đăng trong tạp chí văn nghệ Quân đội số 558 tháng 9/2002 để độc giả tham khảo:
“Chúng tôi xin phép đưa ra một vài cái nhìn khác về Nguyễn Du nói chung và Truyện Kiều nói riêng, ngõ hầu làm phong phú cách cảm nhận trước tác của thiên tài thi ca.
Bài đầu tiên chúng tôi bàn về đoạn cuối của Truyện Kiều mà xưa nay các nhà Kiều học hầu như đã thống nhất với nhau rằng đây là một truyện thơ kết thúc có hậu… ngay Thánh Thán, một thiên tài phê bình văn học xưa, cũng khen ngợi phần kết thúc có hậu của câu truyện này…
… Chúng tôi xin đưa ra một lý giải khác với các định kiến trên: rằng Truyện Kiều bên ngoài tưởng kết thúc có hậu, thực chất là một kết thúc không có hậu.
Cự tuyệt gối chăn với Kim Trọng, Kiều mãi mãi chỉ là người vợ hờ, khiến đôi lứa giả tạo này còn thê thảm hơn cả vợ chồng ngâu. Khi chửa gặp nhau, họ khát khao gặp lại để hòa làm một, để cùng hưởng hạnh phúc gia thất. Nhưng khi sum họp rồi, giữa họ tưởng chỉ là sợi tóc mà trùng trùng xa cách, xa hơn cả nỗi chết Tiền Đường. Đoàn viên mà không đoàn tụ, động phòng mà không hoa trúc, hai thân mà không thành một, đồng sàng, đồng mộng mà không đồng chăn, đồng gối; hợp mà vẫn li… đó chính là đại bi kịch của hạnh phúc, là một kết thúc về bản chất không hề có hậu của Truyện Kiều.
Làm vợ hờ để mãi mãi cô đơn, Kiều luôn bị quá khứ và chữ trinh phong kiến ám ảnh, hành hạ; cứ một mình lủi thủi chứng kiến niềm viên mãn lứa đôi của em gái mình và tình lang xưa, chứng kiến hạnh phúc của cả gia đình ai ai cũng có đôi, có cặp. Có thể nàng còn bị mọi người nhìn mình với cái nhìn tội nghiệp, cảm thương, phỏng còn gì bất hạnh hơn? Thành ra, Thúy Kiều sống đó, làm vợ đó mà không phải vợ, có danh mà chẳng có thực. Nàng cũng chẳng có tương lai, bởi thiên hạ chỉ biết nhìn nàng tồn tại trong dĩ vãng bụi lầm, nàng chỉ là một con người quá khứ. Hóa ra cả Trời – Phật, cả nước sông Tiền Đường, cả niềm quân tử của tình yêu Kim Trọng cũng không có cách nào làm cho Kiều trở thành một con người hoàn chỉnh, một con người đúng ý nghĩa chữ Người…”.
Về vấn đề phụ nữ: Quan điểm của Nguyễn Du hoàn toàn giống quan điểm của Lêôna Đêvanhxi, nhà danh họa trong phong trào văn hóa phục hưng Châu Âu hồi thế kỷ 16, cả về nghệ thuật và tư tưởng.
Về nghệ thuật:
Lêôna đã vẽ một người phụ nữ khỏa thân đẹp tuyệt vời, đứng chính diện (không chéo chân, mục đích để mọi người nhìn rõ “bướm” và hai đứa trẻ bụ bẫm, xinh đẹp, bò lổm ngổm bên cạnh hai cái vỏ trứng cách điệu (như quả bóng tròn bổ đôi).
Nguyễn Du thì tả nàng Kiều khỏa thân với một cơ thể “trong ngọc, trắng ngà” đường nét tuyệt đẹp như hình ảnh núi đồi, sông suối… của tòa thiên nhiên thu nhỏ:
Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Dầy dầy sẵn đúc một tòa thiên nhiên (1312)
Đó là việc làm mới mẻ, táo bạo, vì văn học nghệ thuật phong kiến rất kỵ việc mô tả cơ thể phụ nữ bằng lời cũng như bằng tranh vẽ.
Về tư tưởng:
Qua bức tranh trên Lêôna đặt câu hỏi: Con người (cả vua chúa) ở trong bụng người phụ nữ chui ra hay ở quả trứng nở ra? Vậy người phụ nữ đáng được quý trọng, đề cao hay đáng bị coi thường, bị đối xử bất bình đẳng?
Nguyễn Du thì đấu tranh cho quyền tự do bình đẳng của phụ nữ bằng cách để cho Kiều chủ động “xăm xăm băng nẻo vườn khuya một mình” sang nhà Kim Trọng tâm sự và hứa hôn suốt một ngày, một đêm nhân dịp cả gia đình sang nhà ông ngoại mừng sinh nhật. Nguyễn Du đã chống lại quan điểm khắt khe: “Nam nữ thụ thụ bất thân” của chế độ phong kiến bất công. Đó cũng là tư tưởng tự do và bình đẳng giới của Nguyễn Du.
Quan điểm về bình đẳng giới của Nguyễn Du còn thể hiện qua các câu:
Xưa nay trong đạo đàn bà
Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường (3116)
Tình tiết trên đây chứng minh cho triết lý: “Các thiên tài thường gặp nhau ở những quan điểm lớn”.
Nguyễn Văn Khánh
Tổ 8 – Đa Sĩ – Kiến Hưng – Hà Đông – Hà Nội
ĐT: 0126.900.8441