Bài Tổng luận – Giới thiệu cuốn “Thái Bình với Nguyễn Du và Truyện Kiều” – Tập III – NXB Phụ nữ – 2016, đọc tại buổi tọa đàm ra mắt tập sách, ngày 06/5/2017
Bài viết khái quát những nội dung chính trong cuốn sách “Thái Bình với Nguyễn Du và Truyện Kiều” – Tập III – NXB Phụ nữ năm 2016.
Qua đọc 3 tập sách “Thái Bình với Nguyễn Du và Truyện Kiều” mà chi hội ta đã xuất bản trong vòng 4 năm qua, tôi có một nhận xét tổng quan là: Những người trong Ban Đại diện, Ban Biên tập ngay từ đầu, ngay từ tập I, đã định hướng cho những tác phẩm viết về Nguyễn Du và Truyện Kiều của người Thái Bình, mục tiêu, phương hướng hoạt động của Hội Thái Bình trong hiện tại và tương lai, với tiêu đề của cuốn sách rất ngắn gọn và chuẩn xác.
Trong không gian, mục đích của cuộc tọa đàm, để điểm lại những nội dung chính trong tập III này, tôi xin được lấy tựa đề bài viết là “Nguyễn Du và Truyện Kiều trong nhãn quan của người Thái Bình”.
Trước hết, nói về bố cục cuốn sách, như trong mục lục, chia làm 2 phần: Phần tiểu luận (nói chung là văn xuôi) gồm 38 bài của 26 tác giả, phần thơ gồm 85 bài của 38 tác giả, trong đó có cả bài Khấp Tố Như của cụ Hoài Yên, Hà Nội do tác giả Lê Ngọc Kim giới thiệu, nay tôi đưa lên phần Văn xuôi, vì bài đó là bài văn theo thể văn biền ngẫu cổ phong, chứ không phải là thơ. Như vậy là phần văn xuôi có 39 bài của 26 tác giả, và phần thơ gồm 84 bài của 37 tác giả.
Với phần văn xuôi, tôi xin được điểm một số bài theo thứ tự đã sắp xếp trong tập.Mở đầu là bài “Thái Bình kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào dân tộc – Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du” của nhà thơ Ánh Tuyết, Trưởng VPĐD Hội Kiều học VN tại Thái Bình, là bài diễn văn đọc tại Lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào tại Thái Bình năm 2015, tác giả đã khái quát tầm vóc tư tưởng, tầm vóc nghệ thuật của Đại thi hào Nguyễn Du qua kiệt tác Truyện Kiều, thân thế, sự nghiệp của ông, đặc biệt nhấn mạnh về vai trò của mảnh đất, con người Thái Bình trong thời gian ông về đây sinh sống và sáng tác, đã ảnh hưởng và tác động thế nào đến một phần cuộc đời và nhất là tác phẩm của ông, trong đó có kiệt tác Truyện Kiều, cũng như tình cảm của quê hương, con người Thái Bình đối với ông.
Trong bài viết tiếp theo: “Nguyễn Du – Nhà tiên tri vĩ đại”, bằng những luận điểm, dẫn chứng về ảnh hưởng của Truyện Kiều trong đời sống hàng ngày của nhân dân, như là việc bói Kiều, cho đến trong quan hệ quốc tế của Việt Nam, như những lần các vị Tổng thống, Phó Tổng thống Mỹ đã trích Kiều, lẩy Kiều trong những lần đến thăm Việt Nam, rất phù hợp với hoàn cảnh thực tế đương đại, để đi đến một luận điểm: Nguyễn Du là một nhà tiên tri vĩ đại! Đây có lẽ là một phát hiện mới mà chúng ta cần tiếp tục bổ sung, củng cố, làm rõ thêm.
Tiếp đó đến 2 bài của tác giả Đào Xuân Ánh – Hội viên Hội VHNT Thái Bình, Hội viên Hội KHLS Việt Nam. Bài thứ nhất: “Với Truyện Kiều – Nguyễn Du đã mượn bối cảnh xã hội Trung Quốc để phản ánh thực trạng xã hội Việt Nam đương đại”. Bằng việc đối chiếu với bối cảnh lịch sử khách quan của thời kỳ cuối triều Lê, Tây Sơn và đầu triều Nguyễn (1765 – 1802), tương thích với thời kỳ đời Gia TĩnhÂÂÂÂ của nhà Minh (1522 – 1566), tác giả đã đặt Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều của ông trong bối cảnh lịch sử này để chứng minh một luận điểm rằng: hoàn cảnh lịch sử đương đại của Việt Nam thời đó đã ảnh hưởng đến cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, quan điểm của Nguyễn Du và truyện Kiều, và việc ông “Việt Nam hóa” cốt truyện, bối cảnh lịch sử của Trung Quốc trong tác phẩm Truyện Kiều.
Với bài viết thứ hai: “Những nhân vật phản diện tiêu biểu “để đời” trong Truyện Kiều qua ngòi bút của Nguyễn Du”. Qua những phân tích xác đáng về tính cách nhân vật phản diện tiêu biểu trong Truyện Kiều: Mã Giám sinh – Tú bà – Sở Khanh – Hoạn thư, sử dụng văn học so sánh, đối chiếu với nguyên tác Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân của Trung Quốc, để chứng minh cho luận điểm: Các nhân vật phản diện tiêu biểu trong Truyện Kiều đã được Nguyễn Du điển hình hóa cao độ đến mức trở thành dân gian hóa, thành ngữ hóa, Việt hóa, đi vào đời sống dân gian Việt Nam từ khi tác phẩm ra đời đến nay và tồn tại mãi mãi trong tương lai.
Với bài: “Cảnh xuân trong Truyện Kiều”, tác giả Lê Thanh Bình, với việc phân tích đoạn thơ tả cảnh xuân tiết thanh minh trong tiểu cảnh chị em Thúy Kiều đi du xuân, tảo mộ, bằng một giọng văn khá hào hoa, chau chuốt và mang chất thơ, tác giả đã hướng người đọc tiếp cận đến phong cách tả cảnh, tả tình đầy hào hoa, ý nhị, vừa tao nhã, quý tộc, vừa bác học, vừa bình dân, Việt hóa phong cảnh làng quê việt Nam trong trích đoạn này. Một cảnh xuân đẹp mà chua xót, đối lập giữa sự sống và cái chết, đó cũng là nhân sinh quan của Nguyễn Du.
Với bài “Nguyễn Du trong trái tim nhân loại”, tác giả Nguyễn Bá Chúng, năm nay bác đã 90 tuổi, một trong những sáng lập viên của Hội Kiều học Việt Nam tại Thái Bình lại tâm đắc về buổi nói chuyện của TT Obama tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, sáng ngày 24/5/2016, với kết thúc bằng trích hai câu Kiều: “Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi”, và qua sưu tầmÂÂÂÂ những bài thơ của những trí thức, nghệ sỹ tên tuổi của Mỹ và thế giới để nói lên sức ảnh hưởng của Truyện Kiều và Nguyễn Du trên bình diện quốc tế.
Nhà nghiên cứu văn hóa và lịch sử Phạm Minh Đức có bài “Đoàn Nguyễn Tuấn, anh vợ Đại thi hào Nguyễn Du”, khái quát cuộc đời, sự nghiệp và tác phẩm của Đoàn Nguyễn Tuấn, vừa là anh vợ, bạn học, bạn văn của Nguyễn Du qua tác phẩm “Hải Ông thi tập” của người “Sào phủ” Phong nguyệt Sào, tại làng Hải An.
Tác giả Phạm Xuân Đào có bài “Cụ Nguyễn Du thiêng thật”, kể về một kỷ niệm được nghe nhà văn Hoài Thanh nói chuyện về buổi lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du với khu gang thép Thái Nguyên, nhân Đại thi hào lần đầu được UNESCO công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới, và trích những đoạn văn, đoạn thơ, bình luận của các nhà văn hóa nước ngoài đối với Nguyễn Du và Truyện Kiều.
Với bài “Thơ xuân Nguyễn Du cảm xúc từ quê vợ”, tác giả Lương Hữu, nhà thơ lão thành của Thái Bình, cũng là một trong những ngườiÂÂÂÂ sáng lập Hội Kiều học ở Thái Bình đã bình ba bài thơ chữ Hán trong “Thanh Hiên thi tập” mà Nguyễn Du viết trong thời kỳ “mười lăm gió bụi” ở Thái Bình, với cảnh vật, nỗi niềm u uất, tha hương, cái mặc cảm “ăn nhờ ở đậu”. Cũng đúng thôi, Nguyễn Du vốn dòng dõi trâm anh thế phiệt, giới quý tộc thượng lưu, thân lúc nhỏ là cậu ấm, lớn lên đã từng làm quan, một sỹ phu, chí ở bốn phương, nay gặp thời tao loạn, gia cảnh ly tán, thân là một nam tử đại trượng phu, nay phải nương nhờ nơi quê vợ trong cảnh khốn cùng, chẳng đau xót lắm ru?
Vũ Quốc Huệ, một nhà giáo dạy Trung văn, dịch giả, hội viên Hội VHNT Thái Bình có bài “Tổng thống Hoa Kỳ lẩy Kiều và người Thái Bình hiện đại”. Trong bài viết, ông cũng điểm lại ba lần các tổng thống và phó tổng thống Hoa Kỳ lẩy Kiều khi thăm Việt Nam và tiếp đoàn cao cấp của ta tại Mỹ, song ông cung cấp một chi tiết thú vị mà không phải ai cũng biết: Đó là: anh Phạm Tuấn Anh, người con của xã Quỳnh Hoàng, Quỳnh Phụ, Thái Bình là người được chính Văn phòng Nhà Trắng chọn làm phiên dịch chính thức cho các lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng và nhà nước ta khi tiếp xúc với TT Obama và Phó TT Joe Biden tại Hoa Kỳ và trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của TT Obama. Cũng chính anh là người tham mưu và chọn 2 cặp Kiều cho Phó TT Joe Biden khi TT và Phó TT Mỹ tiếp Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Trắng, và TT Obama thăm Việt Nam tháng 5/2016. Như vậy, một lần nữa lại ghi dấu ấn con người Thái Bình trong lĩnh vực văn hóa đối ngoại thời hiện đại, gắn với kiệt tác Truyện Kiều và Đại thi hào Nguyễn Du.
Đỗ Lâm Hà, một cây bút viết tiểu luận chững chạc của Hội VHNT Thái Bình có bài “Say Kiều hạ bút thành chương”. Trong bài viết, tác giả bình về tác phẩm thơ trường thiên “Say Kiều” của Nguyễn Công Viễn, một hội viên của Hội VHNT Thái Bình. Ông đã chuyển thể thơ lục bát trong Truyện Kiều của Nguyễn Du sang thể thơ bảy chữ, gồm 3142 câu, 785 khổ thơ 4 câu và 1 khổ thơ 2 câu. Âu cũng là một sự kỳ công và tâm huyết của ông với Nguyễn Du và Truyện Kiều vậy. Ngoài bài này, Đỗ Lâm Hà còn có bài viết “Những điều đọc thấy mà soi thức lòng”, điểm, bình cuốn “Thái Bình với Nguyễn Du và Truyện Kiều” tập II.
Nguyễn Minh Hoàng, Phó VPĐD Hội Kiều học Việt Nam Thái Bình với bài viết “Trông người… lại ngẫm đến ta”. Trong bài viết, tác giả khái quát những việc đã làm được, những đóng góp, những tác phẩm của Hội Trung ương, của những chi hội các tỉnh và những cá nhân trong toàn quốc đối với Nguyễn Du và Truyện Kiều, kể từ ngày thành lập Hội đến nay, đó là “trông người”, và “lại ngẫm đến ta”, đó là những đóng góp của Chi hội Thái Bình, của người Thái Bình với Nguyễn Du và Truyện Kiều, nhất là hai tập “Thái Bình với Nguyễn Du và Truyện Kiều” tập I và II (cho đến thời điểm ông viết bài này) để minh chứng một điều: Thái Bình là (một trong những) cái nôi nuôi dưỡng (làm nên) thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Du. Và, người Thái Bình yêu Truyện Kiều không phải vì Nguyễn Du là chàng rể quý, mà là thơ Kiều đã nhập hồn vào bao thế hệ người dân quê lúa…
Tác giả Trương Công Hạnh đề cập tới một nhân vật không có tên cụ thể, đó là nhân vật “người khách viễn phương”, một nhân vật mà có lẽ, không nhiều người để ý tới, trong bài viết “Người khách viễn Phương trong Truyện Kiều của Nguyễn Du”, mà theo tác giả, đó là một nhân vật “đã để lại dấu ấn khó phai mờ cần được làm sáng tỏ. Đó cũng là một ý tưởng hay.
Tác giả Phạm Quốc Khánh thì giới thiệu tám lần Thúy Kiều chơi đàn trong bài viết “Tám bản đàn của nàng Kiều trong Truyện Kiều”, trong đó tác giả phân tích, mổ xẻ 4 lần chơi đàn với 4 bản đàn tiêu biểu, đặc biệt nhất, với những cảm nhận, kiến giảiÂÂÂÂ lý thú, sâu sắc, với kiến thức về âm nhạc cổ và điển tích cổ một cách am tường. Qua đó, tác giả muốn khẳng định: Nguyễn Du “chẳng những là một Đại thi hào mà còn là một nhạc sỹ am hiểu sâu sắc về nhạc lý” (trích nguyên văn câu trong bài viết). Về điểm này, cá nhân tôi hoàn toàn nhất trí với tác giả Phạm Quốc Khánh.
Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi với truyện ngắn “Nhân duyên”, tác giả lấy bối cảnh câu chuyện về một cuộc trò chuyện giữa ba anh em là Nguyễn Khản, Nguyễn Điều và Nguyễn Du với một vị danh sỹ tại phủ Xuân Quận Công để nói vềÂÂÂÂ khởi nguồn tư tưởng của Nguyễn Du từ lúc bé và kết luận: cái “nhân duyên” của Nguyễn Du với nàng Kiều sau này âu cũng là “quả kiếp nhân duyên” tiền định, để có một kiệt tác Truyện Kiều.
Tác giả Nguyễn Văn Thục, cây bút truyện ngắn và ký khá kỳ cựu, hội viên Hội VHNT Thái Bình với bài ký (có lẽ phải gọi là hồi ký mới đúng) “Thầy giáo Nguyễn Du” kể về chuyện ông cụ thân sinh của tác giả ham Kiều, say Kiều như thế nào. Và chính nhờ sự say Kiều của cụ ông, mà cụ bà tự học được chữ quốc ngữ qua bản Kiều bằng chữ quốc ngữ của cụ ông. Từ đó mà nói rằng: Nguyễn Du không những là Đại thi hào, mà còn gián tiếp là thầy giáo dạy chữ quốc ngữ cho bà cụ và những người phụ nữ ngày trước không được đi học như cụ, nhờ Truyện Kiều của Nguyễn Du mà biết chữ. Đó cũng là một thực tế và minh chứng cho tính quảng đại của Truyện Kiều trong đời sống.
Tiếp đến là bài sưu tầm của Lê Ngọc Kim, giới thiệu bài “Độc Tiểu Thanh ký – Một bài thơ tuyệt tác” của tác giả Trần Lê Văn, với lời bàn sắc sảo của ông với nguyên tác bài thơ và bản dịch của Vũ Tam Lập.
Qua nội dung những bài đã điểm trên, trong tập còn có những bài viết như: “Nguyễn Du – Người con rể đặc biệt của quê lúa Thái Bình” của Quách Hiệp Lan, “Trình độ lập kế hoạch của một số nhân vật Truyện Kiều” của Trường Lưu, “Bàn thêm về một số nhân vật trong Truyện Kiều” của Nguyễn Bá Mỳ, các bài “Nguyễn Du, Truyện Kiều và số phận con người”, “Suy nghĩ về tám câu đầu Truyện Kiều của Nguyến Du”, “Lời thưa lại với tác giả bài “Tai bay họa bốc” trong Truyện Kiều” của Nguyễn Xuân Nhuận, “Thúy Kiều với mối tình đầu” của Lê Đức Trường, “Bàn thêm về hai câu thơ của cụ Nguyễn Du” của Nguyễn Nhật Thuấn, “Đôi điều suy ngẫm về nghệ thuật miêu tả trong Truyện Kiều” của Nguyễn Ngọc Tư…. Ngoài những bài viết, trong tập còn có một số bài sưu tầm của Tống Mỹ Phong, Xuân Quyền, Đỗ Khắc Triển, Lê Thước.
Trong phần sưu tầm (trong cuốn sách được xếp vào phần thơ) có bài “Khấp Tố Như” là một bài Văn tế nhân ngày giỗ thứ 196 Đại thi hào Nguyễn Du (ngày 12/9/2016) của cụ Hoài Yên, nhà Kiều học Hà Nội, do ông Lê Ngọc Kim sưu tầm, giới thiệu. Nay tôi xin chuyển về phần Văn xuôi cho đúng. Đây là bài văn tế theo thể văn Biền ngẫu cổ phong khá chuẩn mực với từng cặp câu đối từ, đối ý, đối lời “chan chát” từ đầu đến cuối. Ngay từ cặp đầu:
Từ Nguyễn Thiến ở miền Canh Hoạch/ danh đề khoa bảng đầu tiên;
Đến Tố Như về chốn Tiên Điền/ nghiệp nối thi thư đệ nhất.
Đây là thể văn cổ điển mang tính bác học, hiện nay còn rất ít người hiểu luật, viết được và viết hay ở thể văn này. Xin cảm ơn cụ Hoài Yên đã viết và ông Lê Ngọc Kim đã giới thiệu.
Có thể nói, phần văn xuôi với những bài tiểu luận, bài giới thiệu, bài bình, có cả ký, truyện ngắn rất phong phú về thể loại, đa dạng về thể tài, nội dung đề cập, những góc nhìn đa chiều, với những ngòi bút, những văn phong phong phú, nhiều cung bậc thể hiện, vừa hiện thực, vừa lãng mạn trữ tình… Nhiều bài viết sâu sắc, công phu, có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, lập luận chắc chắn, có tính thuyết phục cao. Một số bài mang tính phát hiện, có phong cách và lối đi, hướng đi và bản sắc riêng. Tất nhiên bên cạnh đó cũng còn những bài viết còn khá dễ dãi, trùng lặp, vấn đề được đề cập chưa mang tính tiêu biểu, điển hình. Bên cạnh những bài sáng tác còn có những bài sưu tầm, giới thiệu những bài viết của những tác giả khác, nhằm cung cấp thêm những tư tiệu tham khảo quý cho người đọc, làm phong phú thêm cho tập sách.
Tựu chung lại, ở phần văn xuôi, các tác giả đã làm nên một diện mạo mới, với những góc nhìn đa chiều, những mảng màu sắc phong phú, đa dạng trong bức tranh tổng thể của cả tập sách.
*Với phần thơ, gồm 84 bài của 36 tác giả, chủ yếu là xoay quanh đề tài viết về Nguyễn Du, ca ngợi sự đóng góp của Đại thi hào với nền văn học dân tộc, thân thế, sự nghiệp của ông, và tấm lòng, sự tôn kính của người Thái Bình với ông. Đồng thời ca ngợi cái hay, cái đẹp, văn chương trác việt của Truyện Kiều, Truyện Kiều với đời sống con người Việt Nam nói chung và Thái Bình nói riêng. Với số lượng lớn như vậy, nên tôi không thể điểm hết được mà chỉ đi vào một số bài.
Trước hết, cho tôi đươc cùng toàn thể quý vị thắp nén tâm nhang với hai nhà Kiều học lão thành của Hội ta, một trong những người đã sáng lập ra Chi hội KHVN tại TB đã qua đời là bác Nguyễn Nhật Thăng và bác Trần Đức Thái, bằng cách điểm lại bài thơ của các bác.
Với bác Nguyễn Nhật Thăng có bài “Xuân về nhớ Bác làm thơ lẩy Kiều” viết về thơ chúc tết của Bác Hồ, có những câu cảm động: “Chắc Người yêu lắm Nguyễn Du/ Bác thường chúc tết, làm thơ lẩy Kiều/ Thiên tài vĩ đại bao nhiêu/ Càng sâu hồn Việt càng nhiều tiên tri”.
Bác Trần Đức Thái với bài “ Hồn thơ” có những câu rất sâu sắc và cảm động: “Phải chăng lúc mạch thơ khơi/ Tim ông đã cất lên lời nước non/ Lệ Kiều, dũa mãi không mòn/ Giờ tôi xâu lại vòng tròn hư vô/ Vòng sầu đặt giữa hồn thơ/ Hóa tro, dâng trước nấm mồ thi nhân”.
Bác Nguyễn Bá Chúng, năm nay đã 90 tuổi, bác cũng là một trong những thành viên sáng lập Chi hội ta, đóng góp trong tập 3 bài thơ, trong đó có bài: “Nguyễn Du trong trái tim nhân loại” có những câu thơ rất hình tượng: “Nắng thủy tinh mong manh chiều tím/ Khói hương trầm ấm lạnh gió xanh/ Về quê mẹ Hải An Quỳnh Phụ/ Phong nguyệt sào còn vương bóng thi nhân”.
Cây bút thơ lão thành Lương Hữu lại gắn hình ảnh quê hương Thái Bình xưa và nay với bóng dáng danh thi Nguyễn Du trong 10 năm gió bụi, và quê hương Thái Bình đổi mới hôm nay trong bài thơ “Qua cầu bến Hiệp”: “Con cháu Tố Như trên cây cầu mới/ Soi lòng sông và soi mát lòng nhau”.
Tác giả, dịch giả Vũ Quốc Huệ, ngoài văn xuôi, ông cũng góp bài thơ “Tổng thống Hoa Kỳ lẩy Kiều” có tính khái quát nhưng sâu sắc về những câu lẩy Kiều của mấy đời TT Hoa Kỳ gắn với những biến cố lớn trong quan hệ hai nước: “Xưa từng bấm nút ném bom/ Nay vui lọc áng thơ Nôm lẩy Kiều”.
Tác giả Lê Ngọc Kim trong bài thơ “Dạ Thúc Sinh” có những câu “Níu cảnh đan lời mơ cỗ nhạt/ Ru tình vẽ bóng mộng gừng cay/ Cành mai chẳng hẹn thôi đành lỡ/ Sợi chỉ Kỳ Tâm lỗi bấy chầy”.
Tác giả Thanh Bình với bài: “Mười năm gió bụi”: “Câu chèo xanh lúa Thái Bình/ Ngàn năm sâu nặng nghĩa tình Nguyễn Du”. Nhà thơ Trần Chính trong bài “Thanh minh nhớ lại” : “Cỏ nan úa thẫm vàng chiều/ Thì đâu Kim Trọng, Thúy Kiều gặp nhau”. Tác giả Lê Thế Đương góp mặt 5 bài thơ, có 4 bài theo thể khoán thủ, trong đó có bài “Du xuân” với lời thơ mượt mà: “Dưới xuân tỏa ngát sắc, hương đào/ Dòng suối quanh co, tiếng dạt dào/ Nước biếc in cây, ngàn bóng hửng/ Chảy qua khoe dáng, vạn bông cao”. Tác giả Phạm Xuân Đào trong bài thơ “Cỏ áy” có những câu tưởng nhớ Nguyễn Du: “Vùng cỏ áy ở gần hay xa/ Bóng vàng phơi sáng dòng sông Luộc/ Sóng mãi vỗ bờ, mãi dài hun hút/ Còn nguyên đây bước “Thập tải phong trần”. Cây bút thơ Nguyễn Tường Thuật của Hội VHNT Thái Bình thì tập hợp lại tất cả hai lần Nguyễn Du dùng từ “ngàn năm” và mười lần dùng từ “trăm năm” trong Truyện Kiều trong bài thơ “Muôn lần nghìn năm”. Tác giả Phạm Đức Khải chia sẻ cảm xúc của mình với Nguyễn Du và Truyện Kiều trong bài “Kính mừng cụ Nguyễn Du” : “Phong trần mấy độ nắng mưa/ Nỗi riêng tâm sự bến bờ bể dâu/ Những câu thơ tựa ngọc châu/ Sáng ngời nghĩa khí đượm màu nhân văn”. Tác giả Khánh Văn trong bài thơ “Tâm sự chàng Thúc Sinh” có những câu khá mới mẻ: “Bọn Sở Khanh, Ưng, Khuyển, Mã trốn đâu rồi/ Chỉ còn mình anh đêm xuân đọc lại/ Em vẫn là Kiều của Lâm Tri mãi Mãi/ Như chưa từng vui bước Lãm Thúy hiên”. Nữ tác giả Nguyễn Thị Ngọc Thúy trong bài thơ thể khoán thủ “Trăm nhớ ngàn thương” khá lãng mạn, chứa chan tâm sự yêu đương: “Đã yêu quên cả lối về/ Nguyền sông hẹn núi câu thề vẫn đây” và “Thuyền xưa bến cũ còn in bóng/ Ai hỡi đêm trường biết có hay”.v.v…
Còn rất nhiều những bài thơ đậm đà, sâu lắng, ẩn chứa những tâm sự hoài niệm của người Thái Bình hiện tại với thân phận Thúy Kiều và các nhân vật trong Truyện Kiều, thân phận của chính Nguyễn Du “đấng sinh thành vĩ đại” đã sinh ra một “đứa con tinh thần vĩ đại” trong những bài thơ của các tác giả trong tập sách này, như những bông hoa ngạt ngào hương sắc trong vườn xuân “Thái Bình với Nguyễn Du và Truyện Kiều”.
Để kết thúc bài điểm sách này, tôi xin trích dẫn đoạn văn sau đây của Nhà văn hóa lớn trong thế kỷ 20, nhà từ điển, học giả Đào Duy Anh trong bài “Khảo luận về Kim Vân Kiều do Quan hải tùng thư Huế, xuất bản năm 1943: “Đoạn văn của H. Taine nói về ngụ ngôn của La Fontaine thích hợp với văn chương Đoạn trường tân thanh quá nên tôi không thể cưỡng lại nổi cái thú vị dẫn ra để chỉ thị thiên tài của Nguyễn Du. Nhờ thiên tài ấy mà văn Đoạn trường tân thanh, vô luận là miêu tả, tự thuật hay đối thoại, đều rất thích đáng, rõ ràng, đầy đủ, mà lại rất vắn tắt, gọn gàng” (hết lời dẫn).
Nhiệm vụ của mỗi chúng ta là làm sáng tỏ thêm giá trị của Truyện Kiều, tôn vinh Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, đưa văn chương Truyện Kiều thâm nhập ngày càng sâu, càng rộng hơn trong đời sống của quảng đại quần chúng.
Viết xong ngày 11/4/2017.
(Đào Xuân Ánh – H/v Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam- H/v Hội VHNT Thái Bình-
UV BCH VPĐD Hội Kiều học Việt Nam tại Thái Bình)