
NGÔN NGỮ “HÔ ỨNG, TĂNG CẤP” –
MỘT NÉT ĐỘC ĐÁO VỀ HÌNH THỨC NGÔN NGỮ
TRONG TRUYỆN KIỀU CỦA NGUYỄN DU
Nguyễn Hữu Rạng
Hội viên, Hội Kiều học Việt Nam
Học viên cao học, chuyên ngành Văn học Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM
Email: ng.rang2000@gmail.com
*
- Đặt vấn đề
Dấu ấn cá nhân của Nguyễn Du trong tác phẩm Truyện Kiều được thể hiện qua việc nhà thơ không những biết sáng tạo ngôn ngữ mà còn “tái sử dụng” lại những ngôn từ đã dùng trước đó một cách khéo léo, tinh tế. Tác phẩm Truyện Kiều với 3.254 câu thơ lục bát và 22.778 từ tuy nhiên Nguyễn Du đã kiểm soát được toàn bộ chúng. Bên cạnh việc tạo tác nên một lớp từ ngữ mới, thi nhân họ Nguyễn Tiên Điền còn sử dụng lại chính những từ ngữ, cấu trúc câu mà ông đã dùng trước đó nhưng cấp cho nó một nội hàm ý nghĩa mới, cụ thể ý nghĩa biểu đạt của những từ ngữ xuất hiện sau sẽ cao hơn, tha thiết hơn thậm chí đau đớn hơn… trước đó. Nói chung là tăng cấp hơn so với những từ ngữ trước đó. Việc sử dụng hình thức ngôn ngữ này không phải được nhà thơ tiến hành theo cách tùy tiện, ngẫu hứng mà luôn tuân theo một quy luật chung nghĩa là chúng luôn được đặt trong những ngữ cảnh tương đồng với ngữ cảnh của những từ trước đó nhằm nêu bật dụng ý nghệ thuật của tác giả và tâm tình nhân vật.
Trong bài viết này, người viết tạm gọi việc sử dụng hình thức ngôn ngữ như trên là ngôn ngữ “hô ứng, tăng cấp”. Việc sử dụng hình thức ngôn ngữ “hô ứng, tăng” cấp trong Truyện Kiều đã góp phần đưa Nguyễn Du trở thành một nhà đi trước và thậm chí vượt xa thời đại bấy giờ bởi lẽ trong văn chương trung đại Việt Nam hầu như không có một nhà thơ nào có kiểu sử dụng ngôn ngữ giống như ông. Mặt khác, nó cũng được xem là một trong những yếu tố góp phần định hình nên phong cách nghệ thuật của tác giả trong tác phẩm Truyện Kiều – phong cách vừa truyền thống, vừa cách tân mới mẻ.
- Giải quyết vấn đề
Việc sử dụng hình thức ngôn ngữ “hô ứng, tăng cấp” của Nguyễn Du trong tác phẩm trước hết nhằm góp phần tạo nên tính nhất quán, sự liên kết chặt chẽ giữa các tình tiết, sự kiện quan trọng. Để có thể tạo được ấn tượng về những tình tiết, sự kiện đang diễn ra trước mắt đồng thời nhắc nhớ người đọc liên kết, xâu chuỗi lại với các tình tiết, sự kiện đã từng diễn ra trước đó Nguyễn Du đã sử dụng lại chính từ ngữ mà tác giả đã tạo ra trước đó. Điều này có thể được chứng minh qua những ví dụ minh họa mà người viết đưa ra sau đây. Có thể thấy, ở kiệt tác Truyện Kiều, một trong những hình ảnh xuất hiện với tần số nhiều nhất, được lặp đi lặp lại và song hành với từng chặng khác nhau trên hành trình trả nợ kiếp đoạn trường của Kiều là hình ảnh vầng trăng. Khi miêu tả khung cảnh thiên nhiên trong đêm thề nguyện giữa Kiều với Kim Trọng, Nguyễn Du đã viết:
“Vầng trăng vằng vặc giữa trời,
Đinh ninh hai miệng, một lời song song”
(Câu 449 – 450)
Và khi tiễn chân chồng là Thúc Sinh trở về quê nhà để thú thật mọi chuyện vụn trộm trước Hoạn Thư, Nguyễn Du đã viết:
“Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường”
(Câu 1525 – 1526)
Như vậy có thể thấy trải qua hơn 1.077 câu thơ lục bát, qua biết bao nhiêu biến cố, thăng trầm trong cuộc đời Kiều trước đó, Nguyễn Du sử dụng lại chính cụm từ “vầng trăng” để miêu tả tâm trạng của nàng. Tuy nhiên dấu ấn cá nhân của Nguyễn Du nằm ở chỗ mặc dù cũng đều sử dụng một cụm từ “vầng trăng” nhưng ý nghĩa biểu đạt của nó ở hai cặp câu trên là hoàn toàn khác nhau. Ở cặp câu thứ nhất (câu 449 – 450), đó là hình ảnh vầng trăng tròn đầy, biểu trưng cho sự viên mãn, hạnh phúc của tình yêu trong đêm thề nguyền giữa Thúy Kiều và Kim Trọng. Ở cặp câu thứ hai (câu 1525 – 1526), đó là hình ảnh vầng trăng bị “xẻ đôi”, bị khuyết đi một nửa trên cao gợi lên cảnh chia lìa, đứt đoạn cùng những dự cảm không lành trong mối tình giữa Thúy Kiều và Thúc Sinh.
Ta có thể xét thêm một ví dụ khác. Khi miêu tả cơn ghen của Hoạn Thư khi biết chồng là Thúc Sinh phụ bạc nghĩa tào khan với nàng: “Trách người đen bạc, ra lòng trăng hoa”, Nguyễn Du đã viết:
“Lo gì việc ấy mà lo,
Kiến trong miệng chén có bò đi đâu ?”
(Câu 1547 – 1548)
Trải qua hơn 790 câu thơ, người đọc tiếp tục thấy Nguyễn Du một lần nữa sử dụng lại cụm từ này nhưng tác giả đặt nó vào trong ngữ cảnh khác, cụ thể là trong cuộc báo ân, báo oán của Kiều tại dinh cơ Từ Hải:
“Kiến bò miệng chén chưa lâu,
Mưu sâu cũng trả nghĩa sâu cho vừa”
(Câu 2335 – 2336)
Không phải Nguyễn Du “nghèo” vốn ngôn ngữ đến mức phải dùng lại những từ ngữ mà trước đó từng dùng cũng phải nhà thơ đã “cạn kiệt” ngôn ngữ mà việc làm này thể hiện rất rõ dụng ý nghệ thuật của tác giả. Nó thể hiện sự đáp trả một cách khôn khéo, đầy hàm ý mỉa mai của Kiều đối với Hoạn Thư. Khi sử dụng lại cụm từ “kiến bò miệng chén”, tác giả buộc người đọc phải hồi tưởng lại cụm từ này đã được dùng trước đó. Tính chất “hô ứng” (gọi nhau) trong ngôn ngữ nghệ thuật của Nguyễn Du được thể hiện ở điểm này.
Mặt khác, ta có thể thấy cách dùng lại từ ngữ lúc sau trong Truyện Kiều đều có tính chất biểu đạt cao hơn so với lúc trước. Chẳng hạn trong những câu thơ viện dẫn phía trên, nếu như cụm từ “kiến bò miệng chén” ở lần thứ nhất được thốt ra từ chính miệng một quan cô có vị thế cao trong xã hội đối với kẻ dưới trướng thì ở lần xuất hiện thứ hai, cụm từ này được dùng lại nhưng là từ một người ở vị trí thấp – Thúy Kiều đối với một quan cô quyền thế như Hoạn Thư. Ngoài ra, hàm ý mỉa mai, đáp trả ở lần sử dụng thứ hai có mức độ cao hơn so với lần đầu tiên. Tính chất “tăng cấp” trong ngôn ngữ nghệ thuật của Nguyễn Du được thể hiện rõ ở điểm này.
Tương tự như vậy, việc sử dụng các từ ngữ lặp lại được tác giả thể hiện ở khắp nơi trong tác phẩm của mình thậm chí khoảng cách giữa các từ cách nhau rất xa, chẳng hạn ta có những câu sau:
“Đủ điều trung khúc ân cần,
Lòng xuân phơi phới, chén xuân tàng tàng”
(Câu 423 – 424)
“Tàng tàng chén cúc dở say,
Đứng lên, Vân mới giãy bày một hai”
(Câu 3061 – 3062)
Bên cạnh đó, việc Nguyễn Du sử dụng hình thức ngôn ngữ hô ứng, tăng cấp sẽ góp phần nhấn mạnh sự kiện diễn ra ở hiện tại bằng cách chiếu ứng lại với các sự kiện đã diễn ra trước đó. Ở điểm này, Nguyễn Du đa phần sử dụng cách thức tạo hai giá trị biểu đạt nghịch lý với nhau trong cùng một cụm từ ở hai ngữ cảnh khác nhau. Chẳng hạn như viết về nhân vật Sở Khanh, Nguyễn Du đã viết:
“Thuyền quyên ví biết anh hùng
Ra tay tháo cũi, xổ lồng như chơi !”
(Câu 1071 – 1072)
Trải qua hơn 1.140 câu thơ khi miêu tả mối lương duyên giữa Thúy Kiều và Từ Hải, cặp từ “anh hùng” – “thuyền quyên” lại một lần nữa xuất hiện trong câu thơ của Nguyễn Du:
“Trai anh hùng, gái thuyền quyên,
Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng”
(Câu 2211 – 2212)
Khi đọc đến đây, người đọc vô hình chung đều mường tượng lại hoàn cảnh xuất hiện của cụm từ này trước đó và thấy được sự đối nghịch về giá trị biểu đạt của ngôn ngữ mà Nguyễn Du sử dụng. Nếu như ở cặp câu 1071 – 1072, cụm từ “anh hùng” – “thuyền quyên” được tác giả sử dụng để làm nổi bật bản chất ba hoa, khoác lác của gả họ Sở chuyên nghề dụ gái thì ở cặp câu 2211 – 2212, nó góp phần thể hiện rõ bản chất anh hùng đúng nghĩa của nhân vật Từ Hải. Như vậy có thể thấy, mặc dù cùng là một cụm từ “anh hùng – thuyền quyên” nhưng Nguyễn Du đã tạo nên hai giá trị biểu đạt hoàn toàn khác nhau về bản chất ở hai tuyến nhân vật phản diện (Sở Khanh) và chính diện (Từ Hải). Nguyễn Du cũng đồng thời cho thấy được một sự tăng cấp về mặt biểu đạt trong việc sử dụng ngôn ngữ của mình. Nếu như ở cặp câu thứ nhất, tác giả chỉ nhằm vào mục đích chế giễu, phê phán, lên án bản chất giả tạo của nhân vật thì ở cặp câu thứ hai, tác giả đã đề cao bản chất anh hùng, sự tương xứng trong mối tình giữa Kiều với Từ Hải đồng thời trả lại đúng nghĩa hình ảnh về người anh hùng.
Ta có thể thấy được rõ hơn về tính chất tăng cấp của ngôn ngữ mà Nguyễn Du sử dụng qua những câu thơ miêu tả tiếng đàn của Kiều ở từng thời điểm khác nhau trong mười lăm năm lưu lạc. Khi đánh đàn tại nhà Hoạn Thư:
“Bốn dây như khóc, như than,
Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng !”
(Câu 1853 – 1854)
Khi đánh đàn trong tiệc rượu trước bá quan văn võ tại dinh cơ Hồ Tôn Hiến:
“Một cung gió thảm, mưa sầu,
Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay !”
(Câu 2569 – 2570)
Có thể thấy, tiếng đàn của nàng mỗi lúc một não nề, mỗi lúc một trầm tư, ưu uất, phẫn nộ ứng hợp với tâm trạng của Kiều trong mỗi hoàn cảnh. Tiếng đàn lúc sau của nàng mỗi khi dạo lên đều khiến cho người đọc hình dung, nhớ lại tiếng đàn ngay trước nó.
Ngoài ra, việc Nguyễn Du sử dụng hình thức ngôn ngữ hô ứng, tăng cấp góp phần đảm bảo tính chất nhất quán, đồng bộ trong cấu trúc câu của Truyện Kiều. Người đọc có thể nhận ra những câu thơ tương đồng về mặt cấu trúc xuất hiện trải rác khắp tác phẩm qua dấu hiệu của cụm từ mở đầu. Chúng tôi xin được đơn cử như một vài ví dụ sau đây. Khi miêu tả tâm trạng của Kiều trong lần chia tay, giã biệt Kim Trọng để chàng trở về đất Liêu Dương hộ tang chú, Nguyễn Du đã viết:
“Buồn trông phong cảnh quê người,
Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa”
(Câu 565 – 566)
Sau khi đã trải qua hơn 482 câu thơ, cấu trúc ngôn ngữ: “Buồn trông…” lại được Nguyễn Du tái sử dụng nhưng không phải là một lần mà có đến bốn lần nhà thơ lặp lại liên tiếp khi miêu tả tâm trạng hoài hương – hoài nhân của Kiều tại lầu Ngưng Bích:
“Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa ?
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu ?
Buồn trông nội cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”
(Câu 1047 – 1054)
Như vậy với việc sử dụng lặp lại cụm từ “buồn trông” ở đầu câu, nhà thơ đã tạo nên một cấu trúc hô ứng gián cách giữa các đoạn thơ hoặc liên tiếp giữa các câu thơ trong cùng một đoạn. Việc làm này nhằm mục đích tạo âm hưởng cô độc, buồn thương tha thiết, triền miên trong tâm trạng của nhân vật đồng thời nhấn mạnh vào tính cách đa sầu đa cảm của Kiều trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Ta cũng có thể tìm thấy được những cấu trúc tương tự được tạo ra bằng cách sử dụng lại ngôn ngữ trước đó, chẳng hạn như cấu trúc lặp “còn…” trong hai cặp câu sau đây:
“Còn non, còn nước, còn trời,
Còn về, còn nhớ đến người hôm nay !”
(Câu 557 – 558)
“Còn duyên, may, lại còn người !
Còn vầng trăng bạc, còn lời nguyền xưa”
(Câu 3073 – 3074)
Hay như hai cặp câu sau đây với cấu trúc lặp “vẻ chi một…”:
“Vẻ chi một đóa yêu đào,
Vườn hồng, chi dám ngăn rào chim xanh”
(Câu 503 – 504)
“Vẻ chi một mảnh hồng nhan,
Tóc tơ chưa chút đền ơn sinh thành”
(Câu 669 – 670)
Cũng có những cấu trúc mang âm hưởng từ ca dao dân gian được Nguyễn Du sử dụng một cách tinh tế, phù hợp trong tác phẩm. Chúng tôi xin được đơn cử cấu trúc: “Thiếp như…” trong những cặp câu sau đây:
“Thiếp như hoa đã lìa cành,
Chàng như con bướm, lượm vành mà chơi”
(Câu 1325 – 1326)
“Thiếp như con én lạc đàn,
Phải cung, rày đã sợ làn cây cong”
(Câu 2117 – 2118)
Lời than cho số kiếp bạc mệnh của nhân vật đôi lúc cũng được Nguyễn Du sử dụng các cấu trúc tương tự lấy thi liệu từ ca dao dân tộc như:
“Tiếc thay một đóa trà mi,
Con ong đã tỏ đường đi lối về !”
(Câu 845 – 846)
“Tiếc thay trong giá trắng ngần,
Đến phong trần, cũng phong trần như ai !”
(Câu 1191 – 1192)
Như vậy, với việc sử dụng hình thức ngôn ngữ “hô ứng, tăng cấp” Nguyễn Du đã tạo nên được dấu ấn cá nhân trong tác phẩm Truyện Kiều của mình. Hình thức ngôn ngữ này có thể ví như một mũi kim để nhà thơ có thể đan kết, móc nối các tình tiết, sự kiện, nhân vật trong tác phẩm của mình một cách hợp lý, chặt chẽ đồng thời với việc sử dụng hình thức ngôn ngữ này Nguyễn Du đã “đánh dấu sự thăng hoa và chín muồi của ngôn từ nghệ thuật dân tộc trong văn học trung đại Việt Nam” (Trần Đình Sử, 2018, tr.330).
- Kết luận
Có thể thấy trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã sử dụng một hệ thống dày đặc, dàn trải khắp nơi trong tác phẩm các từ ngữ có tính chất “hô ứng, tăng cấp” nhằm giúp cho người đọc liên kết, hồi tưởng, xâu chuỗi lại các sự kiện ở hiện tại với các sự kiện đã diễn ra trong quá khứ theo một công thức chung là từ ngữ sau sẽ có giá trị biểu đạt cao hơn, mạnh hơn so với từ ngữ đã xuất hiện trước đó. Ngôn ngữ hô ứng, tăng cấp là một trong những hình thức ngôn ngữ chưa từng xuất hiện trên thi đàn văn chương trung đại Việt Nam ở các giai đoạn trước đó. Nguyễn Du đã sử dụng hình thức ngôn ngữ này nhằm tạo nên tính liên kết, tính chất “đồng thanh tương ứng” của các từ ngữ lặp lại, nhấn mạnh, gợi cho người đọc liên tưởng đến các tình tiết, sự kiện, chi tiết… quan trọng đã từng xuất hiện trước đó trong tác phẩm.
Dấu ấn cá nhân của Nguyễn Du được thể hiện ở chỗ các từ ngữ mà ông dùng lại ở phía sau luôn có tính chất tăng cấp dần về nghĩa so với các từ ngữ trước đó thậm chí là trước đó rất xa. Khi đọc đến những từ ngữ này, người đọc buộc phải hồi tưởng, hình dung lại bối cảnh mà nó đã từng xuất hiện trước đó để có thể hiểu được trọn vẹn nội dung tác phẩm. Nguyễn Du đã tạo nên trước mắt và trong tâm trí người đọc những “ám ảnh” về từ ngữ qua việc sử dụng lặp lại chúng một cách rải rác khắp thiên truyện. Điều này cho thấy được tài năng văn chương, nghệ thuật sử dụng từ ngữ điêu luyện, đạt đến mức tinh tế, công phu ở nhà thơ đồng thời khẳng định dấu ấn cá nhân của tác giả trong tác phẩm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Cù Đình Tú (1983). Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt. NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp.
[2]. Đào Duy Anh (1974). Từ điển Truyện Kiều. Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội.
[3]. Đào Thản (1998). Từ ngôn ngữ chung đến ngôn ngữ nghệ thuật. NXB Khoa học Xã hội.
[4]. Ferdinand de Saussure (2017). Giáo trình: Ngôn ngữ học đại cương (Cao Xuân Hạo dịch). NXB Khoa học Xã hội.
[5]. Nguyễn Du (2018). Truyện Thúy Kiều (Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo). NXB Văn học.
[6]. Nguyễn Quảng Tuân (2000). Tìm hiểu Nguyễn Du và Truyện Kiều. NXB Khoa học Xã hội.
[7]. Nguyễn Thị Hương (2012). Một số phương thức tạo ý nghĩa hàm ẩn trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Luận văn thạc sĩ Ngôn ngữ học. Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.
[8]. Phạm Đan Quế (2013). Thế giới nghệ thuật Truyện Kiều. NXB Thanh niên.
[9]. Phan Ngọc (2010). Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều. NXB Văn học.
[10]. Trần Đình Sử (2018). Thi pháp Truyện Kiều. NXB Đại học Sư phạm Hà Nội.
[11]. Võ Minh Hải (2015). Ngôn ngữ nghệ thuật Truyện Kiều từ góc nhìn văn hóa. Luận án tiến sĩ Ngữ văn. Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.