Thạc sĩ Vũ Thị Huân
1.Truyện Kiều (chữ Nôm: 傳翹), tên gốc là Đoạn trường tân thanh (chữ Hán: 斷腸新聲), là truyện thơ kinh điển trong nền Văn học Việt Nam, được viết bằng chữ Nôm theo thể lục bát của Nguyễn Du, gồm 3254 câu, dựa theo tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện(金雲翹傳) của Thanh Tâm Tài Nhân (青心才人), một tiểu thuyết chương hồi bằng văn xuôi của Trung Quốc.
Truyện Kiều kể lại số phận chìm nổi, bất hạnh của Thúy Kiều trải qua mười lăm năm lưu lạc, trải qua nhiều kiếp nạn đoạn trường. Có thể nói, trong thế giới nhân vật phụ nữ của Văn học Việt Nam, chưa có nhân vật phụ nữ nào lại bất hạnh hơn Thúy Kiều. Tác giả Lê Đình Kỵ đã nhận xét: “ Truyện Kiều – Đoạn trường tân thanh” – là tiếng kêu xé ruột của con người bị đày đọa, là bằng chứng về nỗi đau của con người bị giày xéo trong tình yêu, trong tình cảm gia đình, trong niềm khát vọng bình thường nhất, trong nhân phẩm tối thiểu của một con người”.
Về mặt nội dung, một trong những giá trị lớn nhất của Truyện Kiều là tinh thần nhân đạo cao đẹp. 3254 câu thơ Kiều dào dạt một tình thương mênh mông của Nguyễn Du trước những bi kịch cuộc đời, mà theo như lời của thi hào “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Tinh thần nhân đạo được thể hiện trước hết là tiếng nói ngợi ca những giá trị, phẩm chất tốt đẹp của con người như tài sắc, lòng hiếu nghĩa, vị tha, chung thuỷ trong tình yêu. Đó còn là tấm lòng của nhà thơ đồng tình với những ước mơ và khát vọng về tình yêu lứa đôi, về tự do và công lý; là sự đồng cảm, xót thương với bao nỗi đau, bị vùi dập của con người, nhất là đối với người phụ nữ “bạc mệnh” trong xã hội phong kiến. Có thể nói, cảm hứng nhân đạo của Nguyễn Du là cảm hứng trân trọng và thương yêu con người bị áp bức, bị chà đạp. Tác phẩm có ý nghĩa như là tiếng kêu cứu lấy số phận con người và khẳng định phẩm giá con người.
Về mặt nghệ thuật, Truyện Kiều là một công trình nghệ thuật tuyệt mỹ. Trong tác phẩm của mình, Nguyễn Du đã thể hiện sự tài hoa, sắc sảo trong miêu tả, tự sự… Hay nói đúng hơn, đó chính là tài năng bậc thầy về sử dụng ngôn ngữ. Tả người, tả cảnh hay tả tình… đều rất mực tài hoa. Xin dẫn lời của tác giả Mộng Liên Đường chủ nhân trong bài Tựa Truyện Kiều, một lời nhận xét tuy ngắn gọn mà đã khái quát được tài hoa của Nguyễn Du: “Lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải ngậm ngùi, đau đớn như đứt ruột,… Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh như hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy”.
So với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân, nội dung của Truyện Kiều không có nhiều khác biệt. Nhưng về mặt nghệ thuật, Truyện Kiều đã vượt xa Kim Vân Kiều truyện, được đánh giá là một thiên tuyệt bút, khẳng định ngòi bút điêu luyện, tài tình của Nguyễn Du.Trải qua hàng trăm năm, với biết bao thăng trầm của cuộc sống, Truyện Kiều vẫn nóng bỏng hơi thở của nó, vẫn trường tồn sức sống trong lòng mọi thế hệ độc giả. Đúng như tác giả Lê Trí Viễn đã viết: “Câu chuyện trầm luân của Thúy Kiều xưa nay biết bao người nói đến, lời thơ của Nguyễn Du đã đi qua hàng thế kỷ, thế mà bao khúc nôi đoạn trường cùng những lời đứt ruột kia vẫn như còn mới tinh, sức sống của văn chương, sức sống của sự việc không hề giảm đi mà còn có vẻ tăng thêm”.
Có thể nói, Truyện Kiều là tác phẩm lớn nhất của Nguyễn Du mà cũng là tác phẩm lớn nhất trong văn học cổ điển Việt Nam, một kiệt tác của nhân loại. Nó không chỉ là kết quả lao động sáng tạo của một thiên tài “vô tiền khoáng hậu” mà còn là thành quả của một thời kì lịch sử, thành quả của cả một nền văn hóa có bề dày hàng nghìn năm. Truyện Kiềucủa Nguyễn Du đã góp phần đưa văn học Việt Nam vượt ra khỏi bờ cõi của một quốc gia, trở thành một phần của tinh hoa của văn hóa nhân loại, ghi dấu ấn văn học Việt Nam trên thi đàn quốc tế. Với Truyện Kiều nói riêng và toàn bộ trước tác của Nguyễn Du nói chung, ông được các thế hệ người Việt Nam tôn vinh là Đại thi hào dân tộc, Hội đồng Hòa bình thế giới, UNESCO vinh danh ông là Danh nhân văn hóa thế giới.
Với sự cống hiến của Nguyễn Du, với những thành tựu đã được ghi nhận, Nguyễn Du và Truyện Kiều đã trở thành niềm tự hào và sẽ sống mãi trong lòng bao thế hệ người Việt!
Người ta đã biết đến Truyện Kiều của Nguyễn Du như biết về những gì bình dị nhất gần gũi nhất trong cuộc sống, lại vừa như một tài sản quý giá, một “di sản văn hóa” của dân tộc. Bên cạnh giá trị to lớn về nội dung nhân đạo, nội dung hiện thực còn là giá trị đặc sắc về ngôn ngữ nghệ thuật của tác phẩm. Một trong những nét thành công của Nguyễn Du trong Truyện Kiều đó là cách sử dụng tài hoa ngôn ngữ văn học. Với ngôn ngữ Truyện Kiều, Nguyễn Du được xem là “bậc thầy ngôn ngữ dân tộc”,là người đã nâng ngôn ngữ văn học của dân tộc, của thời đại lên một đỉnh cao chói lọi. Qua bàn tay của thi hào Nguyễn Du, ngôn ngữ tiếng Việt của chúng ta trở nên điêuluyện hơn, tinh tế và đặc sắc hơn, trở thành một thứ “siêu ngôn ngữ”.Ngay từ thế kỷ XIX, cụ Đào Nguyên Phổ đã cho rằng: Truyện Kiều “thật là một khúc Nam âm tuyệt xướng”.
Chính vì thế, khi tìm hiểu kiệt tác này chúng ta không thể không tìm hiểu yếu tố ngôn ngữ đã dệt nên bức gấm hoa văn chương Truyện Kiều. Hiểu được ngôn ngữ Truyện Kiều sẽ đem đến cho chúng ta một cách thưởng thức mới, thú vị, sâu sắc và hấp dẫn hơn. Và cũng có thể coi việc hiểu ngôn ngữ Truyện Kiều giống như một chiếc chìa khóa để “giải mã” thế giới nghệ thuật cùng với những giá trị tuyệt vời của tác phẩm. Về ngôn ngữ nghệ thuật Truyện Kiều chúng ta có thể tìm hiểu trên nhiều phương diện, như nhà thơ đã sử dụng lớp từ Hán Việt, lớp từ thuần Việt như thế nào? Các phương thức tu từ nghệ thuật? Các từ láy, từ loại, vần, nhịp của câu thơ trong Truyện Kiều như thế nào,…Song, một trong những đặc sắc làm nên giá trị ngôn ngữ nghệ thuật của tác phẩm Truyện Kiều,chính là việc nhà thơ đã vận dụng điển cố để tạo cho ngôn ngữ của tác phẩm tăng thêm vẻ đẹp và sự hàm súc, dư ba.
Vận dụng điển cốlà một phương thức quen thuộc của các tác giả văn chương trung đại. Việc vận dụng điển cố cho ta thấy tính chất uyên bác của tác giả khi thể hiện nội dung văn chương và ngôn ngữ của tác phẩm. Tuy nhiên, với thế hệ bạn đọc ngày nay, ngôn ngữ của các tác phẩm văn chương trung đại, trong đó có việc sử dụng điển cốlại đã trở thành “hàng rào” ngăn cách nhận thức người đọc đến với nội dung của tác phẩm đó. Vì thế, tìm hiểu điển cố trong ngôn ngữ của tác phẩm văn chương trung đại nói chung và điển cố trong tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du nói riêng, trở thành một nhu cầu rất cần thiết khi đến với văn chương trung đại và đến với kiệt tác Truyện Kiều.
Điển cố là một khái niệm, cho đến ngày nay vẫn gây nhiều khó khăn cho các nhà nghiên cứu văn học, nghiên cứu ngôn ngữ. Vì chưa có một tên gọi thống nhất, cùng một khái niệm nhưng các nhà nghiên cứu lại dùng các thuật ngữ khác nhau gây khó khăn cho việc tiếp nhận và nghiên cứu. Qua tìm hiểu một số tài liệu nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy có nhiều tên gọi khác nhau: điển, điển cố, điển tích, điển nghĩa.
Bên cạnh những tên gọi khác nhau cho điển cố thì cách hiểu, cách giải thích về khái niệm điển cố cũng có nhiều ý kiến, bàn cãi.
Theo tác giả Bửu Kế: “Ðiển là sách sử, cổ là cũ. Điển cố là chuyện cũ đã từng chép trong sách xưa”.
Còn theo tác giả Đào Duy Anh trong “Từ điển Hán – Việt định nghĩa: “Điển cố là những chuyện chép trong sách vở xưa”.
Tác giả Đinh Gia Khánh cho rằng: “Tích là những sự việc, câu chuyện xưa, câu chỉ sự việc của đời xưa, của văn học cổ” và theo ông “tích nằm trong cố gọi chung là điển cố”.
Theo định nghĩa của Viện Ngôn ngữ học trong “Từ điển tiếng Việt”: “Điển cố là sự việc hay câu chữ trong sách đời trước được dẫn trong thơ văn” và điển tích là: “Câu chuyện trong sách đời trước, được dẫn lại một cách cô đúc trong tác phẩm”.
Tác giả Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử yếu lại có cách giải thích: “Điển (nghĩa đen là việc cũ) là một chữ hay một câu có ám chỉ đến việc cũ, một tích xưa khiến cho người đọc sách phải nhớ đến chuyện ấy, sự tích ấy mới hiểu ý nghĩa và cái lý thú của câu văn”.
Tác giả Trần Đình Sử trong cuốn Những thế giới nghệ thuật thơ có viết rõ ràng hơn, sâu sắc hơn về điển cố: “Điển cố là các sự việc, câu chữ, của tác phẩm văn học thời trước mà người đọc nào cũng biết, được sử dụng lại trong tác phẩm mới nhằm tăng cường sức biểu hiện, mở rộng, đổi mới ý thơ”.
Từ việc tìm hiểu các cách hiểu về điển cố của một số tác giả thì Phạm Đan Quế trong cuốn Tìm hiểu điển tích Truyện Kiều đã nhận định: “Như vậy, điển, điển cố, điển tích có nghĩa tương đương nhau, nhưng điển tích nặng về câu chuyện, sự việc kể lại”.
Để việc nghiên cứu luận văn được thuận lợi và mang tính khoa học, chúng tôi sử dụng thuật ngữ “điển cố” cho toàn luận văn của mình. Theo quan niệm của chúng tôi: điển cố là các sự việc, câu chữ, hình mẫu nhân vật của tác phẩm văn học, sử sách, kinh truyện thời trước được các tác giả sử dụng, vận dụng lại trong xây dựng tác phẩm nghệ thuật của mình.
2.Văn học xưa chia điển cố thành hai loại:
Nếu điển cố lấy các tích truyện xưa làm nội dung xuất phát thì nó được gọi là “dụng điển”. Dụng điển bao gồm các sự vật, sự việc căn bản, những nhân vật biểu trưng cho loại tính cách, phẩm chất, quyền năng hay hành vi. Những nhân vật này có thực trong lịch sử hoặc hư cấu trong tác phẩm văn học. Dụng điển có khi là những địa danh (vùng đất, sông hồ, núi non, biển cả,…) gắn với một tích truyện hay tượng trưng cho một khái niệm, một tư tưởng, tình cảm nào đó. Dụng điển có khi là những nhân vật kỳ vĩ, nổi tiếng, là tấm gương hiếu thảo, anh hùng liệt sĩ, tấm gương về đạo đức,… Ví dụ, trong Truyện Kiều có câu:
Từ rằng: Lời nói hữu tình,
Khiến người lại nhớ câu Bình Nguyên Quân. ( 2192)
Điển cố Bình Nguyên Quân gợi nhớ đến Triệu Thắng, hiệu Bình Nguyên Quân, con Vũ Linh vương nước Triệu đời Chiến quốc. Bình Nguyên Quân vốn là người hào hiệp, lại biết dùng người tài. Cho nên văn học cổ thường nhắc đến Bình Nguyên Quân khi ngụ ý nói về người biết trọng tài đức.
Nếu điển cố có nguồn gốc từ các trích dẫn, từ kinh sách, từ các câu nói của người xưa thì được gọi là “dẫn kinh”. Dẫn kinh có thể là một câu, một ngữ, một từ được trích dẫn nguyên vẹn, có khi chỉ dùng một vài từ trong cả câu được lựa chọn và sắp xếp lại thành điển cố mà vẫn thể hiện được tinh thần của câu văn trích.
Xét về mặt nghĩa, điển cố có những đặc trưng sau:
Điển cố luôn luôn gắn bó với một tích truyện nhất định, trong sách vở hay ngoài cuộc đời thực. Tuy nhiên, tính cụ thể của điển cố lại thường mang ý nghĩa ẩn dụ hay hoán dụ để truyền đạt một ý nghĩa khái quát mang tính chất phổ biến.
Điển cố được sử dụng nhằm thay thế cho một sự tích, một câu nói, một tứ thơ thì nó được gọt giũa thêm để trở nên hàm súc hơn, ý tại ngôn ngoại, tức là cố gắng chuyển tải được một nội dung lớn hơn nhiều với sức hàm chứa của bản thân từ ngữ.
Để hiểu rõ hơn về hai đặc điểm này, ta hãy xét điển cố Lam Kiều (hay Cầu Lam):
Về tính lịch sử cụ thể: Lam Kiều là tên một chiếc cầu thuộc huyện Lam Điền tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Đây là một chiếc cầu có thật, từng tồn tại trong một không gian và thời gian nhất định trong quá khứ. Đó là mặt hiện thực của từ ngữ Lam Kiều.
Về tính biểu trưng: theo sách truyền kỳ, Bùi Hàng đời Đường gặp người con gái đẹp tặng bài thơ có câu như sau:
“Nhất ẩm quỳnh tương bách cảm sinh,
Huyền sương đảo tận kiến Vân Anh,
Lam Kiều tận thị thần tiên quật,
Hà tất kỳ khu thướng ngọc kinh”
(Chén rượu quỳnh tương vừa uống xong sinh ra trăm mối cảm,
Thuốc huyền sương giã xong thì được gặp Vân Anh,
Lam Kiều chính là nơi động tiên đó,
Hà tất phải lặn lội đến kinh đô làm gì).
Sau Bùi Hàng có dịp đến Lam Kiều, khát nước, ghé vào quán lá cạnh đường, bà chủ quán gọi cô gái là Vân Anh rót nước mời, thấy Vân Anh đẹp, Hàng xin trọ lại và xin cầu hôn. Bà quán bảo: “Trước đây thần tiên cho ta thìa linh dược, cần có chày, cối bằng ngọc để giã. Bao giờ người mang các thứ đó lại đây ta sẽ gả Vân Anh cho”. Hàng quyết tâm tìm mua chày cối ngọc mang đến Lam Kiều và lấy được Vân Anh làm vợ. Từ câu chuyện này, Lam Kiều được cấp một hàm nghĩa mới: đó là nơi người đẹp, làm chuyện nhân duyên. Đây không phải là mặt hiện thực mà là mặt biểu trưng, mặt giá trị phong cách của điển cố. Người viết văn dùng Lam Kiều với cấp độ biểu trưng, vì thế mới có các câu:
Cầu Lam hội ấy đành khôn hẹn,
Con tạo trời kia bỗng khéo xây.
(Lâm tuyền kỳ ngộ)
Chày sương chưa nện cầu Lam,
Sợ lần khân quá ra sàm sỡ chăng?
(Truyện Kiều)
Nghề riêng nhớ ít tưởng nhiều,
Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang.
(Truyện Kiều)
Trong các ví dụ trên, các tác giả không có ý định nói đến một chiếc cầu cụ thể nọ ở tỉnh Thiểm Tây (mặt hiện thực) mà muốn ám chỉ đến chuyện nhân duyên, chuyện tìm người đẹp (mặt biểu trưng, mặt giá trị). Mặt hiện thực chỉ biết đến như một cái cớ. Điển cố chủ yếu dùng đến mặt sau, mặt giá trị phong cách. Không có mặt sau thì điển cố không bao giờ trở thành một biện pháp tu từ và vì vậy cũng không thể có cái gọi là điển cố.
Điển cố được sử dụng để biểu thị sự đánh giá về những phẩm chất của những con người nhất định. Do vậy, việc vận dụng điển cố luôn gắn với thái độ, tính cảm, quan điểm, tư tưởng,…của tác giả. Mỗi điển cố được dẫn bao giờ cũng chứa đựng tình cảm, thái độ yêu, ghét, thương xót, cảm thông, coi thường, khinh bỉ hay ngợi ca, trân trọng,…khi nhìn nhận sự việc, hiện tượng hay con người.
3. Điển cố trong truyện Kiều
Trong Truyện Kiều (Nguyễn Du ), điển cố được sử dụng với một mức độ dày đặc. Tùy theo quan điểm và sự thống kê của từng tác giả biên soạn sách mà số lượng điển cố được xác định có sự khác nhau. Theo tài liệu Đinh Gia Khánh (Chủ biên): “Điển cố văn học” – NXB Văn học – Hà Nội – 1975, thì Truyện Kiều có 299 điển cố (xem phần Phụ lục1).
Theo tài liệu Đoàn Ánh Loan: “Điển cố và nghệ thuật sử dụng điển cố”, NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh – 2003, thì Truyện Kiều có 226 điển cố (xem phần Phụ lục 2). Còn theo sự thống kê của chúng tôi, có 305điển cố được vận dụng trong Truyện Kiều (xem phần Phụ lục 3).
Điển cố trong Truyện Kiều thường được lấy ở nhiều nguồn. Về cơ bản, chúng tôi nhận thấy các điển cố được tác giả vận dụng từ hai nguồn chính: trong từ kinh, sử, truyện, thơTrung Quốc và trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam.
a/ Điển cố cố xuất xứ từ kinh, sử, truyện, thơ Trung Quốc
Trong một thời gian dài chúng ta sử dụng chữ Hán như một thứ văn tự chính thống. Chữ Hán được dùng trong những văn bản mang tính quan phương lẫn trong sáng tác văn học. Cũng chính vì thế mà ta đã tiếp nhận thi liệu của văn học Trung Quốc thông qua thứ văn tự ấy như một điều tất yếu.
Những điển cố có xuất xứ từ các sách kinh điển như Kinh Thi, KinhLễ, Kinh Thư, Kinh Xuân Thu, Luận ngữ, Mạnh Tử, được tuyển chọn từ những lời giáo huấn của các thánh nhân về cách ứng nhân xử thế, về đạo làm người, thường được truyền dạy từ đời trước cho đời sau, trong gia đình, làm nội dung thi cử, tuyển chọn nhân tài cho đất nước. Điển cố có nguồn gốc từ sử truyện, thường được đúc kết từ những câu chuyện về các nhân vật lịch sử gắn liền với các địa danh nổi tiếng, tạo sự hấp dẫn cho người đọc và người nghe.
b/Điển cố có nguồn gốc từ kho tàng văn học dân tộc
Bên cạnh điển cố từ thi liệu trong văn học, kinh, sử Trung Quốc, tác giả Truyện Kiều còn vận dụng điển cố từ thi liệu văn liệu của văn học Việt Nam, trong đó chủ yếu là từ văn học dân gian. Các thể loại như ca dao, tục ngữ, thành ngữ…được tác giả vận dụng linh hoạt trong Truyện Kiều.
Hai nguồn điển cố trong Truyện Kiều được chúng tôi thống kê theo bảng sau:
Bảng 2.1. Bảng nguồn gốc điển cố
STT |
Nguồn gốc điển cố |
Số lượng (điển cố) |
Tỉ lệ (%) |
1 |
Kinh, sử, truyện, thơ Trung Quốc |
268 |
87,9 |
2 |
Văn học dân tộc |
37 |
12,1 |
Nhìn vào kết quả thống kê trên, phải thừa nhận rằng, các điển cố trong Truyện Kiềuchủ yếu được dẫn từ kinh, sử, truyện, thơ Trung Quốc (87,9%). Các điển cố có nguồn gốc từ ca dao, tục ngữ, thành ngữ Việt có một số lượng rất khiêm tốn (12,1%). Điều này chứng tỏ Truyện Kiều chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa, văn học Trung Quốc. Chúng ta đều biết, Trung Quốc là quốc gia có nền văn học phát triển. Trong nền văn học thế giới, văn học Trung Quốc nổi lên như một “đàn anh”, có lịch sử lâu dài và ngày càng có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến các quốc gia khác. Ngay từ trước công nguyên (thời cổ đại) nền văn học Trung Hoa đã có những thành tựu rực rỡ như Kinh Thi, văn xuôi triết học, Sở từ, Sử ký… Sang thời trung đại, Phú thời Hán, Thơ thời Đường, Từ thời Tống và Tiểu thuyết thời Minh, Thanh là những thành tựu văn học rực rỡ trong nền văn học Trung Hoa. Nước Việt Nam đã trải qua bốn ngàn năm lịch sử, song có tới hơn một ngàn năm dưới sự đô hộ và cai trị của phong kiến phương Bắc, lại ở vị trí tiếp giáp với Trung Quốc, nên văn học Việt Nam nói chung và Truyện Kiều nói riêng chịu ảnh hưởng của văn học Trung Hoa là điều khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, hai nguồn điển cố trên đã tạo cho ngôn ngữ Truyện Kiều một màu sắc rất độc đáo, vừa có tính bác học lại vừa mang tính bình dân. Sự kết hợp này đã mang lại sự thành công ngôn ngữ Truyện Kiều nói chung.Vì vậy, khi đánh giá tài năng sử dụng của tác giả, đánh giá về giá trị của tác phẩm, chúng ta không nên chỉ truy tìm nguồn gốc của nó, mà nên đánh giá nhà thơ đã dùng nó sáng tạo như thế nào để làm nên một câu thơ đẹp. Vì để có được kết quả dùng điển hay, những từ ngữ câu chuyện của điển cố phải được hòa nhập vào nhau, tạo thành một sức sống mới cho câu thơ mà không gây khó khăn cho người đọc trong việc tìm hiểu nội dung ý nghĩa của nó.
Điển cố trong Truyện Kiều như trên đã nêu, được phân ra làm hai loại: loại dùng điển và loại dẫn kinh.
Loại dùng điển dựa vào các câu chuyện, sự tích nổi tiếng trong sách để lấy ra giá trị biểu trưng. Nó được vận dụng chủ yếu theo 3 phương thức sau:
– Sự thật hoặc sự việc cốt lõi.
– Nhân vật tính cách, cốt cách điển hình cho một phẩm chất, một thái độ sống.
– Tên địa danh, sông, núi,… biểu trưng cho một khái niệm phổ biến.
Loại dẫn kinh thường lấy từ ngữ trong các sách kinh điển, trong các câu nói nổi tiếng của người xưa. Loại điển cố này cũng được Nguyễn Du vận dụng theo 3 cách sau:
– Lấy trọn một ý, một đoạn ngữ trong nguyên văn.
– Cắt lấy một vài chữ đầu hay chữ cuối của câu văn trong sách.
– Lựa chọn một vài từ trong câu nói của kinh truyện cấu tạo lại theo cách riêng của tác giả.
(Còn tiếp)