Bàn về một chữ trong Truyện Kiều- Nhà giáo Hoàng Xuân Khóa

Vào năm 2014, Ban Văn bản của Hội Kiều Học Việt Nam đã khảo cứu để chú giải và đính chính bản Quốc ngữ theo tinh thần sao cho chữ Quốc ngữ phải mang nghĩa phù hợp với văn cảnh của câu thơ và phải đúng âm đọc của chữ Nôm theo các bản Nôm cổ nhất, gần với thời Nguyễn Du nhất mà chúng ta đã sưu tầm được.

Năm 2015, nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Đại Thi hào Nguyễn Du, Hội Kiều học Việt Nam đã xuất bản cuốn Truyện Kiều do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành, trong đó đã đính chính 412 từ tiếng Việt. Tuy nhiên do thời gian có hạn nên chưa có điều kiện để khảo cứu thật kỹ càng. Và ngay trong 412 từ đã đính chính thì cũng còn có những từ gây tranh cãi trong độc giả và ngay cả trong ban văn bản. Trong tham luận này, tôi chỉ xin bàn về một chữ trong câu 77 của Truyện Kiều mà tuyệt đại đa số các bản Quốc ngữ đã xuất bản và được phổ biến rộng rãi hiện nay đều ghi: ”Sắm sanh NẾP tử xe châu”.

 

Từ năm 1923, trên tạp chí Nam Phong đã có một số bài bàn về chữ NẾP và chữ NÍP trong câu 77 này rồi(1).

 

Theo cốt truyện và các chú giải thì “NẾP tử” là cái quan tài bằng gỗ thị, mà người khách viễn phương đã mua rồi nhặt nhạnh xương cốt của Đạm Tiên đem chôn. Tôi đã tra cứu một số cuốn từ điển Nôm như Dictionarium Anamitico Latinum của AJ.L.TABERD xuất bản năm 1838, Đại từ điển chữ Nôm của Vũ Văn Kính xuất bản năm 2001, hai tập Từ điển chữ Nôm dẫn giải của GS. TS Nguyễn Quang Hồng do Nhà xuất bản KHXH ấn hành năm 2014, thì thấy: âm NẾP trong tiếng Việt được ký âm bởi nhiều chữ Nôm khác nhau, với 4 nhóm nghĩa khác nhau. Cụ thể:

 

– Nhóm thứ nhất: NẾP là tên loại gạo dẻo (gạo nếp) và được ký âm bởi các chữ Nôm sau: .

 

– Nhóm thứ hai: NẾP với nghĩa là vết hằn để lại khi gấp vải hay giấy và được ký âm bởi các chữ Nôm:

 

-Nhóm thứ ba: NẾP với nghĩa là nề nếp, phép tắc, lề lối cơ bản của một truyền thống hay một sự nghiệp của một dòng họ hay một gia đình và được ký âm bới các chữ Nôm:

 

-Nhóm thứ tư: NẾP là vật lượng từ. Theo từ điển Nôm Latinh của Taberd ở trang 331 thì nếp là vật lượng từ trong cụm từ ”NẾP nhà”( có nghĩa là CĂN nhà hay NGÔI nhà)

 

Như vậy, theo những cuốn từ điển xưa nhất (Taberd-1838) và đầy đủ nhất, hiện đại nhất (của Vũ Văn Kính năm 2001, của GS-TS Nguyễn Quang Hồng năm 2014) thì âm NẾP không hề có nghĩa là quan tài dùng để mai táng. Chắc chắn có sự phiên âm sai nghĩa ở các bản Quốc ngữ. Vậy thì do đã phiên âm sai chữ Nôm viết đúng ? Hay đã phiên âm đúng theo chữ Nôm viết sai ? Hay vì lý do nào khác nữa ??

 

Trong hơn 20 bản Truyện Kiều Quốc ngữ mà tôi đã được đọc thì chỉ có 2 bản ở câu 77 có phiên âm khác từ NẾP. Đó là:

 

– Bản Poèmem Kim Vân Kiều của P.J.B Trương Vĩnh Ký (bản in nhà nước 1875 ở Sài Gòn) ghi là: “Sắm sanh NÍP giấy xe châu”.

 

– Bản chép tay bản thảo cuốn ”Kiều tầm nguyên” của GS Hoàng Xuân Hãn ở PARIS (chưa được xuất bản) ghi là :“ Sắm sanh NÍP tử xe châu”.

 

Tôi không rõ cụ Trương Vĩnh Ký và GS Hoàng Xuân Hãn đã dùng bản Nôm nào để phiên âm, nhưng tôi đã tra nghĩa của từ NÍP trong các cuốn từ điển chữ Nôm nói trên thì từ NÍP chỉ có một nghĩa  duy nhất mà người Nghệ Tĩnh gọi để chỉ cái RƯƠNG để đựng quần áo, tư trang được làm bằng gỗ hoặc được đan bằng mây, tre có hình dạng giống cái valy hoặc như cái làn, cái giỏ đựng đồ. Người Bắc gọi cái Níp là cái Hòm.

 

Còn người Nghệ Tĩnh thì cái hòm là cái quan tài dùng để mai táng. Từ NÍP là từ cổ. Người già trong làng tôi trước đây vẫn dùng nhưng nay con cháu không dùng nữa. Âm NÍP được ký âm bởi các chữ Nôm sau:

 

 

Trong Truyện Kiều ở câu 2649 và 2650, Nguyễn Du cũng đã dùng chữ NÍP ( được ký âm bởi chữ Nôm hoặc chữ Nôm) để chỉ cái rương (hòm) mà Giác Duyên dùng để đựng quần áo và tư trang khi từ biệt Kiều:

 

Giác Duyên từ tiết dã nàng

 

Treo bầu quẩy NÍP rộng đường vân du(2)

 

 

Khi xem xét các bản Truyện Kiều Nôm cũ thì tôi thấy :

 

– Bản Liễu Văn Đường (1866) và Thịnh Mỹ Đường (1879) ở câu 77, đều ký âm NẾP bởi chữ Nôm thuộc nhóm thứ hai nêu trên.

 

– Bản Liễu Văn Đường (1871) ở câu 77, âm NẾP được ký bởi chữ Nôm

 

thuộc nhóm thứ hai nêu trên.

 

– Bản Kiều Oánh Mậu (1902), ký âm NẾP bởi chữ Nôm cũng thuộc nhóm thứ hai nêu trên.

 

So sánh tự dạng chữ Nôm ký âm NẾP và chữ Nôm ký âm NÍP ta thấy chữ NẾP khác chữ NÍP một nét phẩy mà thôi.

 

Tôi suy đoán rằng, người chép tay hoặc người thợ khắc ván đã bỏ sót một nét của bộ mộc thành ra bộ tài gẩy,nên chữ NÍP thành chữ NẾP .

 

Như vậy ta có thể kết luận: do viết và khắc ván sai chữ NÍP, thiếu một nét nên chữ NÍP đã được phiên âm thành NẾP và với âm NẾP thì câu văn vô nghĩa như đã nói trên. Nếu phiên đúng âm NÍP thì câu văn không chỉ có nghĩa là người khách viễn phương mua một cái rương đựng quần áo bằng gỗ thị (là gỗ thuộc nhóm 5) để làm quan tài chôn cất nắm xương còn sót lại của Đạm Tiên, mà khi đó câu chuyện cũng trở nên logic hơn. Các chi tiết như cái rương đựng quần áo làm bằng gỗ rẻ tiền thay cho quan tài; chôn cất vội vàng bằng cách“vùi nông một nấm”(chứ không phải đào sâu chôn chặt); “mặc dầu cỏ hoa” (chứ không được chăm sóc thường xuyên)… đều mô tả một cuộc mai táng sơ sài của người tốt bụng phương xa chứ không phải của một người thân thích ruột thịt.

 

Với tất cả lập luận trên, tôi thấy ở câu 77 phần chữ Nôm phải là:

 

Phiên âm Quốc ngữ là “Sắm sanh NÍP tử xe châu” mới phù hợp với văn cảnh. Lý do vì các bản Kiều chữ Nôm đã có một sai sót nhỏ làm người đọc phiên âm nhầm.

 

Đây là suy nghĩ của riêng tôi, mong quý vị độc giả xem xét và cho ý kiến chỉ bảo để chúng ta góp phần có được bản Truyện Kiều Quốc ngữ chính xác hơn.

 

 

Chú thích:

 

(1) Trong cuốn “ Văn phê bình nghiên cứu ngữ văn trên Nam Phong tạp chí” của PGS. TS Nguyễn Đức Thuận có trích dẫn hai bài báo đăng trên Tạp chí Nam Phong bàn về chữ NÍP , trong đó:

 

– Bài thứ nhất (trang 373), đăng trong Nam Phong tạp chí số 72, tháng 6 năm 1923 trang 512-515 của Nguyễn Anh Tuân người Vĩnh Long, cho rằng trong câu 77 phiên âm là “níp giấy xe châu” là hợp lẽ. Nhưng không phân tích trên cơ sở phiên âm chữ Nôm mà chỉ dựa vào phong tục tập quán của người Việt Nam khi làm ma chay để giải thích “NÍP giấy” trong câu 77.

 

– Bài thứ hai (trang 548-549), đăng trong Nam Phong tạp chí số 87, tháng 9 năm 1924 trang 260-263 của Vũ Đoan Trang, nữ – sĩ Tiểu –Tự Nhất –chi-mai người Thanh Hóa, cho rằng “ Sắm sanh nếp tử xe châu” thì nếp tử được cho là cái níp hay cái hộp.” nếp tử hẳn là cái cặp da hay cái vali da”. Điều này chứng tỏ từ NÍP thời đó được dùng khá rộng rãi. Tuy nhiên Vũ Đoan Trang cũng không phân tích vì sao lại phải phiên âm là NÍP mà không phải là NẾP.

 

(2) Các bản Kiều Nôm ở câu 2650 “Treo bầu quẩy NÍP rộng đường vân du” ký âm NÍP bởi các chữ Nôm như sau:

 

– Bản Liễu Văn Đường (1866), Liễu Văn Đường (1871), Duy Minh Thị(1879) ở câu 2650 đều ký âm NÍP bởi chữ Nôm

 

– Bản Kiều Oánh Mậu (1902), ký âm NÍP bởi chữ Nôm

 

– Bản của Hội Kiều học (2015), ký âm NÍP bởi chữ Nôm.Trong từ điển chữ Nôm của Nguyễn Quang Hồng, ở trang 1236 thì chữ được phiên âm là NẾP, nhưng ở trang 1379, vẫn chữ Nôm đó lại được phiên âm là NÍP.

Bài viết khác

Tác giả: minhtri