(Đôi nét về một bộ phim tài liệu khoa học đang chuẩn bị thực hiện)
Mấy tháng trước, tạp chí Văn hiến VN đã đăng bài “Nguyễn Du có mấy lần Bắc hành” của tôi – trong khi nhiều báo mạng báo in từ chối đăng tải bởi không mấy tin tưởng ở một người nghiên cứu văn học nghiệp dư, sau nữa, điều này là chủ yếu: trước nay, quan niệm chính thống đã thành một nếp hằn sâu trong giới nghiên cứu chuyên nghiệp là: Nguyễn Du chỉ “Bắc hành” có một lần khi ông thực thi công vụ Chánh sứ vào năm 1813… Và ông đã ghi lại hành trình đi sứ đó trọn trong tập “Bắc hành tạp lục”!
Nhưng khi có dịp nghiền ngẫm tập “Bắc hành tạp lục” (và cả tập “Thanh hiên thi tập”) tôi nhận thấy có nhiều bài trong hai tập đó viết về những địa danh lịch sử, những nhân vật lịch sử Trung Quốc lại không hề nằm trên lộ trình Bắc sứ quen thuộc mà một số vị sứ thần nước ta thời Nguyễn Du như Lê Quý Đôn, Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Huy Oánh, Đoàn Nguyễn Tuấn… đã mô tả tỷ mỷ nơi chốn, hành trạng của các sứ đoàn, vẽ cả bản đồ – như “Hoàng hoa sứ trình đồ”và nhật ký hành trình “Phụng sứ Yên Kinh tổng ca” của ông Nguyễn Huy Oánh, như tập ghi chép dày dặn “Bắc sứ thông lục” của ông Lê Quý Đôn – cái lộ trình quy định nghiêm ngặt giữa hai quốc gia phong kiến mà chính Chánh sứ Nguyễn Du cũng đã đi! Vậy là sao?
Gia phả viết: trong giai đoạn “Thập tải phong trần”, Nguyễn Du về quê vợ ở Thái Bình để sống đời gió bụi giang hồ, thì có thể tin được không? Nguyễn Hành, cháu nhà thơ đã viết về chú mình: ”Giang hồ, long miếu hai điều đủ/ Thi họa cầm thư bốn nghệ tinh”. Chính Nguyễn Du trong thơ chữ Hán đã miêu tả mình đã sống giang hồ thực sự, với biệt danh Chí Hiên, đội mũ vàng của nhà sư và với cái túi rỗng không lang thang trên các sông của vùng Giang Bắc, Giang Nam, thăm các hồ lớn Trung Quốc như Động Đình Hồ, Thái Hồ, nhiều lần một mình lặng đứng trước dòng Tương giang vùng Hồ Nam tựa nấm mồ lớn mang oan hồn Khuất Nguyên, đã trải qua nhiều địa danh sông ngòi, đất đai không có ở Việt Nam và cũng không nằm trong lộ trình “Bắc sứ” (mà khi dịch thơ, khảo chú, các nhà nghiên cứu bậc thầy của ta đã lờ đi chú thích, hoặc chú thích sai một cách vô tình hay cố ý chỉ vì thiếu tư liệu chính xác, ví dụ trong bài “Biệt Nguyễn Đại Lang” của “Thanh hiên thi tập”, câu hẹn giữa hai người: “Tương kiến tại Trung Châu” – sẽ gặp nhau ở Trung Châu; Trung Châu này là ở đâu đã không được chú thích, còn tên Nguyễn Đại Lang* thì chỉ có dòng chua: “Không rõ là ai”, v.v.)…
Với những băn khoăn như thế, tôi rất sung sướng khi được đọc những bài của ông Phạm Trọng Chánh trên Vanhoanghean, kể lại ông đã khảo sát một số bài thơ đi sứ năm 1813 và thơ được sáng tác trong thời giang hồ của Nguyễn Du (1787-1790), sau khi đi thực địa tại một vài địa điểm Trung Quốc và có đôi kiến giải thuyết phục. Nhà nghiên cứu Hoàng Khôi trên cơ sở phát hiện này đã phát triển thành cả một cuốn tiểu thuyết lịch sử: “Trên đường gió bụi”, và nhà nghiên cứu Lê Khắc Huy cũng trăn trở đào sâu thêm về những phát hiện ban đầu đó của ông Phạm Trọng Chánh. Riêng tôi đã nghiền ngẫm về những bài thơ cụ thể có viết về con người, lịch sử, thiên nhiên Trung Quốc mà không nằm trong lộ trình “Bắc sứ” của Nguyễn Du, tìm thêm nhiều bài “ẩn khuất” nữa ở hai tập thơ “Bắc hành tạp lục” và “Thanh hiên thi tập”- dưới góc độ bình giải văn chương kỹ lưỡng ( Đã viết 5 tiểu luận: thơ Nguyễn Du viết về Khuất Nguyên, Nhạc Phi, vợ chồng Tần Cối; sẽ viết thêm độ 5, 6 bài nữa).
Cũng từ những suy ngẫm và cảm xúc về mảng thơ này của nguyễn Du, tôi nảy ra ý định làm một bộ phim tài liệu khoa học tương đối quy mô. Tôi đã tìm đọc thêm một số sách địa lý, lịch sử và hình thành nên một kịch bản phim tương đối chi tiết, để có dịp thuận lợi sẽ cùng với hai người bạn “đồng tâm” là Hoàng Khôi và Lê Khắc Huy sang Trung Quốc “Tìm lại dấu vết của Nguyễn Du lần Bắc hành thứ nhất” bằng phim ảnh, nhằm tôn vinh Đại thi hào một cách sâu rộng hơn và góp phần giải một cái “nghi án” văn chương – lịch sử tồn đọng suốt gần thế kỷ nay …
___________
* Qua tìm hiểu của chúng tôi, Nguyễn Đại Lang chính là Nguyễn Đăng Tiến, theo “Lê Quý Kỷ sự” của Nguyễn Thu, cũng tức là Cai Già trong “Lịch Triều Tạp Kỷ” của Ngô Cao Lạng, Cai Gia trong “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” của Ngô Gia văn phái – ông tước Quản Vũ Hầu, nguyên là quyền Trấn Thủ Thái Nguyên cùng Nguyễn Quýnh (Sĩ Hữu) và Nguyễn Du khởi nghĩa chống Tây Sơn tại Tư Nông thất bại, bị bắt giải về cho Vũ Văn Nhậm. Sau được Nhậm tha, cả ba lên đường đi Vân Nam, đến nơi có “Cảnh tuyết, lá vàng bốn mùa, tiếng tù và” – Thu chí; “Cách Trường An ngàn dặm phía Nam” – Sơn cư mạn hứng; “trưởng giả ăn mặc còn theo nhà Hán, không theo lịch nhà Tần” – Sơn thôn (Thanh Hiên thi tập). Đến Liễu Châu, họ chia tay nhau, Nguyễn Đại Lang về thăm quê cũ ở Việt Đông và hẹn ngày gặp lại tại Trung Châu (Hàng Châu), Nguyễn Quýnh về Hồng Lĩnh… Một năm sau, Nguyễn Du theo đúng hẹn, đã gặp lại Nguyễn Đại Lang tại miếu Nhạc Phi, Giang Nam…