Sinh hoạt thường kỳ của hội viên Hội Kiều học Việt Nam huyện Thủy Nguyên TP Hải Phòng

Vừa qua, đại diện văn phòng Hội Kiều Học Viêt Nam tại TP Hải Phòng đã tham dự buổi sinh hoạt thường kỳ của các Hội viên Hội Kiều Học Việt Nam huyện Thuỷ Nguyên.

alt

Chi Hội Thuỷ Nguyên có khoảng 20 Hội viên tham gia sinh hoạt định kỳ. Hầu hết các Hội viên đều đã cao tuổi. Cụ cao nhất đã trên 80, người trẻ nhất cũng đã 60, là bộ đội, công nhân, công an, cán bộ, giáo viên đã nghỉ hưu. Cũng có một số bác là nông dân hay người buôn bán nhỏ. Họ xuất thân và học vấn rất khác nhau, nhưng có một điểm tương đồng đã gắn kết họ lại trong một tổ chức Hội tự nguyện là say mê Truyện Kiều và yêu kính cụ Nguyễn Du. ” Hội trưởng” là cụ Nguyễn Văn Ký, 87 tuổi, người thôn Trại Kênh, xã Kênh Giang, huyện Thuỷ Nguyên. Địa điểm sinh hoạt thường kỳ của các cụ là nhà của bác Cù Huy Binh, xã Lư Kiếm, Thuỷ Nguyên. Gia đình bác Bình đã giành một phần ngôi nhà riêng để lập phòng thờ cụ Nguyễn Du với đầy đủ các trang bị như một ngôi nhà thờ họ. Ngày rằm, mồng một, gia đình bác Bình và các Hội viên đều có hương hoa đang lên bàn thờ Cụ. Đặc biết, từ hàng chục Năm nay, gia đình bác Bình và sau nay là cả chi hội Kiều Học Thuỷ Nguyên đều làm giỗ cụ Nguyễn Du. Ngoài gia tộc cụ Nguyễn, tôi không biết có ai hằng năm làm giỗ Cụ như gia đình bác Bình và chi Hội Thuỷ Nguyên không? Thật là một nghĩa cử tuyệt vời và đáng trân trọng. Điều này chứng tỏ Nguyễn Du và Truyện Kiều đã đi vào cuộc sống văn hoá và tinh thần của người dân Thuỷ Nguyên nói riêng và của người Việt Nam nói chung sâu nặng biết nhường nào.

Buổi sinh hoạt mở đầu bằng lễ dâng hương trước bàn thờ Cụ. Sau đó đại diện văn phòng Hội Kiều Học VN tại Hải Phòng tặng cho chi Hội một số sách quý về Nguyễn Du và Truyện Kiều. Tiếp theo là các Hội viên tham gia tiết mục “Hái hoa dân chủ”, theo đó, mỗi người sẽ hái một bông hoa, trong đó yêu cầu đọc và giải thích ý nghĩa một đoạn câu Kiều do ban tổ chức chuẩn bị sẵn và gắn vào bông hoa. Cuối cùng là một diễn giả sẽ bình giải một đoạn trong truyện Kiều có từ 20 đến 30 câu Kiều. Các hội viên góp ý thêm theo cách hiểu của mình nên rất sôi nổi và thú vị. Chi Hội có kế hoạch sẽ bình giải từ câu một cho đến hết Truyện Kiều.
Kết thúc là bữa cơm thân mật do chủ nhà chuẩn bị với hương vị đồng quê, do các hội viên đóng góp. Buổi sinh hoạt đã để lại cho tôi một ấn tượng sâu sắc, vừa thú vị, vừa khâm phục và cảm động trước tình cảm của người dân thường giành cho Nguyễn Du và Truyện Kiều.

Hoàng Xuân Khóa

(Trưởng VP đại diện Hội Kiều học Việt Nam thành phố Hải Phòng)

Bài viết khác

Tác giả: minhtri