Nỗi niềm Hoạn Thư

Hoạn Thư là nhân vật rất đặc sắc và tiêu biểu của Truyện Kiều, biểu hiện rành rành cái thiên tài tột đỉnh nghệ thuật khắc họa chân dung; miêu tả tính cách, tâm lý, diễn biến tâm trạng, hành vi con người của Đại thi hào họ Nguyễn.

Hoạn có lẽ cũng là hình tượng được “đời hóa” nhiều nhất truyện Kiều; là minh chứng sống động công lao kỳ vĩ của Nguyễn Du trong việc làm đẹp và làm giàu tiếng Việt. Hai từ ngắn gọn mang tên con người này, hàng trăm năm nay, trở thành một danh từ phổ quát và đại chúng trong từ điển Việt, mà ở phần giải thích, cần nhiều ngôn từ mới thể hiện hết nội hàm: Một người phụ nữ có chồng; ghen tuông tột độ; khôn ngoan và mưu mẹo; sắt đá và lạnh lùng; thậm chí là độc ác và nhẫn tâm…

Mang lý lịch cá nhân ghê gớm như vậy, Hoạn ắt bị đọc giả và người đời căm ghét, sợ hãi. Chúng ta hãy tìm hiểu nguyên do vì sao như vậy, rồi xem Hoạn có đáng sợ và bị ghét như vậy không.

Trước hết và tổng thể, Hoạn không phải đồng minh, chẳng phải ân nhân của Kiều – biểu tượng tuyệt bích về người đàn bà đẹp đẽ, tài năng và đức hạnh luôn được thương quý, bảo vệ, đùm bọc và chở che. Ngược lại, Hoạn là người đã trực tiếp khước từ cái mưu cầu, ước vọng khiêm cung và an phận của Kiều, là được làm người vợ lẻ sắn bìm của Thúc Sinh, cứu rỗi cái kiếp gian hồ nổi trôi, lưu lạc; Hoạn lập mưu bắt bớ (chính xác là cướp sống Kiều từ Lâm Chuy của Thúc Sinh); người đã giam hãm, ức hiếp, chì chiết, hành hạ, đọa đày, làm tội làm tình khiến Kiều tán hoán tê mê, kinh hồn bạt vía, phải tìm cách trốn đi lúc nửa đêm để bảo toàn tính mạng.

Hoạn bị ghét cũng bởi sự khôn ngoan, lạnh lùng và già giơ quá mức khi tiến hành công cuộc đánh ghen, chơi khăm, trả đũa, chỉnh đốn, uốn nắn chồng và cách Hoạn giành lại chồng từ tay kẻ khác. Bằng sự tính toán, tiên liệu từng đường đi nước bước của một tiên sinh, Hoạn bày biện, sắp xếp, dẫn dắt, định đoạt, biến chồng thành một con rối, một gã hề, để rồi, chính chồng Hoạn – một tay chơi siêu hạng, bất cần và liều lĩnh vô độ ấy phải xấu hổ, uất ức, đau đớn nhưng khâm phục và cam chịu mà thốt lên thừa nhận: “thấp cơ thua trí đàn bà”. Vài trăm năm trước, khi vai trò, vị thế của người đàn ông trong gia đình gần như là tuyệt đối, là bất khả xâm phạm, một người vợ dắt mũi, lấn át chồng đến mức ấy, hẳn rất lạ đời.

Người ta ghét Hoạn, sợ Hoạn cũng bởi từ cái ý nghiệp và khẩu nghiệp của Hoạn. Đó là những suy nghĩ, lời nói ác ý, uất ức và căm hận với hai con người bội bạc – Thúc Sinh với Kiều. Ta hãy nghe nàng nghĩ và nói gì, còn thực hiện hay không, xin được trình bày ở phần dưới.

Với Thúc Sinh, Hoạn từng sánh chồng với đứa con nít nhỏ bé, tầm thường “làm chi những thói trẻ ranh nực cười” rồi ngấm ngầm báo trước hệ quả gì đó ghê gớm đang đợi chờ kẻ phản bội “cho người thăm ván, bán thuyền biết tay”. Còn với Kiều thì vô kể, khiến ta hình dung đến những cuộc hành hình, báo thù, khảo tra nặng nề, đớn đau: nào là “kiến trong miệng chén có bò đi đâu”; “mưu cao vốn đã rắp ranh những ngày”; “làm cho đày đọa cất đầu chẳng lên”; “làm cho cho mệt cho mê, làm cho đau đớn ê chề cho coi”; hay mưu mô biến Kiều thành trò cười trăm năm cho thiên hạ đàm tiếu: “sau cho để một tiếng cười về sau”. Khi Hoạn bày tiệc tẩy trần “chén tạc chén thù” với Thúc, bắt Kiều hầu đàn, mà trong buổi tiệc chết chóc đó, qua một số câu ngắn gọn của thiên tài, nhắm mắt lại, ta cũng thấy trước mặt bóng dáng Hoạn đang trợn mắt, nghiến răng, chỉ tay, rít lên từng tiếng chì chiết đày đọa và làm nhục Kiều “bắt nàng đứng chực trì hồ hai nơi, bắt khoan bắt nhặt đến lời, bắt quỳ tận mặt, bắt mời tận tay” trong sự can tâm, tấp tểnh, hả hê của Hoạn.

Cuối cùng, Hoạn bị ghét và sợ, một phần đến từ những nhân vật liên quan khi họ nói năng, phản ứng về Hoạn – dù đôi khi chỉ là sự suy đoán chủ quan của họ thôi, hoặc từ những lời đồn đoán mà họ nghe được đâu đó.

Thúc Sinh, người chồng đầu gối tay ấp của Hoạn, sau khi bị dẫn dắt và nếm trải thế trận đảo điên “đất thấp trời cao” do vợ bày ra cho mình với Kiều, khi muộn màng nhận ra “thôi thôi đã mắc vào tay ai rồi” đã lén gặp Kiều để nói cho cô ấy biết về vợ: “Lòng người nham hiểm biết đâu mà lường”, rồi xúi Kiều bằng mọi cách phải trốn ra ngoài “liệu mà cao chạy xa bay” – chỉ để thoát khỏi Hoạn, để được bảo toàn.

Với Kiều, ban đầu Hoạn là người đàn bà thâm độc, nham hiểm: “bên ngoài thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao”, sau đó thì thán phục, nhưng cũng chính từ đó, Kiều bắt đầu lo sợ cho sự an nguy của mình bởi người đàn bà quá cao cơ, bí hiểm và sắt đá này: “nghe thôi kinh hãi xiết đâu, đàn bà thế ấy thấy âu một người”; “thân ta ta phải lo âu, miệng hùm nọc rắn ở đâu chốn này”.

Hơn 10 năm sau sự việc Kiều trốn nhà Hoạn Thư ra đi, một kẻ lại già họ Đô vẫn trình bày với Kim Trọng giữa công đường về Hoạn rằng : “Phải tay vợ cả phũ phàng, bắt về Vô Tích toan đường bẻ hoa”. Nhưng thực ra việc “bẻ hoa” là do Kiều suy diễn, lo sợ hành động từ Hoạn, sau khi nàng được người hầu gái kể lại việc Hoạn nghe lén cuộc gặp gỡ, hội thoại giữa Kiều và Thúc tại gác kinh.

Giác Duyên, khi Kiều đến ở cùng tại Chiêu ẩn am, sau những ngày đầu vui vẻ hạnh phúc, nhưng lúc biết Kiều dính dáng đến Hoạn từ lời người đàn việt đã thất kinh sợ hãi: “Giác Duyên nghe nói rụng rời; nửa thương, nửa sợ, bồi hồi chẳng xong”. Và để tránh đại họa cho nhà chùa và bản thân của vãi, vị sư trưởng này đã tìm đường cho nàng trốn đi nơi khác ngay tức khắc. Bạc Hà, muốn tìm một lý do thật sự thuyết phục để Kiều đồng ý lấy Bạc Hạnh, đã cho nàng biết sẽ không thể nào thoát khỏi tay Hoạn đâu, dù cho bay lên trời đi nữa: “Kíp toan kiếm chốn xe dây, không dưng chưa dễ mà bay đường trời”!

Phản ứng sau cùng của người khác về Hoạn là hành động của Kiều khi thực hiện công cuộc trả ân, báo oán dưới lưỡi gươm hùng mạnh của Từ Hải. Sự căm giận, oán thù Hoạn được dồn nén, tích tụ lâu ngày đã bật ra như chiếc lò xo khi Kiều xác định ngay kẻ thủ số một, người mà mình muốn trừng trị đầu tiên chính là Hoạn: “dưới cờ gươm tuốt nắp ra, chính danh thủ phạm tên là Hoạn Thư”.

Bây giờ ta hãy xem thực tế Hoạn có đáng sợ và đáng ghét như vậy không.

Nhưng hãy khoan, có một điều quan trọng cần bàn luận trước về Hoạn, là xuất thân, điều kiện và hoàn cảnh sống của Hoạn – tiền đề của những đặc điểm, thuộc tính, tập khí đã hình thành, chi phối, dẫn dắt suy nghĩ, tư tưởng và hành động của con người Hoạn.

Thứ nhất, Hoạn Thư là tiểu thư con của Lại bộ- tức người đứng đầu các Thượng thư, quyền hạn như Tể tướng (“thiên quan chủng tể”) – vị trí chỉ sau đức Vua mà thôi. Con gái cành vàng lá ngọc của một đại quan uy danh ngất trời, giữ quyền sinh sát như thế, hẳn ý thức rất rõ địa vị, thân thế của mình với người khác, với thiên hạ- đặc biệt là trong cái xã hội được thiết lập, cấu trúc và vận hành dựa trên nền tảng là sự phân chia giai cấp ấy. Hoạn phải ở cửa trên, có thể yêu cầu, ra lệnh và quyết định – dù cho có khi bất chấp cả pháp luật và lẽ phải chăng nữa; phần còn lại tất phải tuân lệnh, cam chịu và phục tùng. Biểu hiện rõ nhất của đặc trưng này là việc Hoạn ra lệnh cho đầy tớ đi bắt sống, cướp giật Kiều từ Lâm Chuy về làm kẻ tôi đòi trong nhà mình, đốt nhà người khác như chốn không người; hay việc vả miệng, bẻ răng người hầu chỉ vì họ báo cho Hoạn biết Thúc có người mới. Việc Hoạn dám cả gan và kiêu hãnh chơi khăm, trả thù chồng cũng xuất phát từ thân thế ấy.

Thứ hai, Hoạn chắc là một Phật tử đắc đạo. Nhà Thúc ông có chùa trong vườn với “cây trăm thước, hoa bốn mùa”, chứng tỏ gia đình ông có truyền thống thờ Phật lâu rồi, trước khi Hoạn về làm dâu. Nhưng khi Thúc bà mất, Thúc ông và Thúc Sinh đi làm ăn xa, thì việc duy trì sự tu tập trong chùa vẫn rất tinh tấn, nghiêm trang và thành kính. Điều này thể hiện rất rõ từ việc hành lễ quy y đầy đủ theo giáo pháp cho Kiều “tâng tâng vừa mới bình minh,…tam quy ngũ giới cho nàng xuất gia”; rồi cho pháp danh và chuẩn bị “sớm khuya tính đủ dầu đèn” cho Kiều. Ngoài ra, mặc dù chỉ ở một thời gian ngắn trong ngôi chùa gia đình ấy, Kiều vẫn đã lĩnh giáo được rất nhiều lễ nghi, kinh sách cơ bản của nhà Phật, đến nỗi: “kệ kinh câu cũ thuộc lòng, hương đèn việc cũ trai phong quen tay”. Sự trang nghiêm, thành kính, tinh tấn trong duy trì sự tu tập như vậy, chắc chắn phải đến từ người gia chủ ở nhà lúc đó, chính Hoạn Thư. Mà nếu Hoạn không là một Phật tử, khó làm được bài bản và tận tâm đến vậy. Vì thế, hạt giống “từ- bi- hỉ- xả” của nhà Phật có ảnh hưởng nhất định đến con người có tu tập như Hoạn.

Thứ ba, Hoạn là người được được học hành, giáo dục bài bản, một người học rộng, hiểu biết và có tài. Nguyễn Du rất cố tình không trực tiếp đề cập, miêu tả học vấn, tài năng của Hoạn, ông muốn người đọc tự cảm nhận và đánh giá lấy. Như chúng ta biết, giới quan lại, quý tộc ngày xưa rất coi trọng việc giáo dục và học vấn của con cái, dòng tộc. Thực tế, chỉ riêng cái cách đánh ghen, dạy cho Kiều và Thúc Sinh một bài học để đời ấy, cho thấy Hoạn khôn ngoan và cao tay thế nào rồi. Sự thông thái của Hoạn thể hiện rõ nhất vào thời khắc ngàn cân treo tóc – đó là khi Kiều chuẩn bị đưa Hoạn ra hành hình, trị tội. Trong bối cảnh ngặt nghèo ấy, chỉ ít lời thanh minh ngắn gọn nhưng đầy đủ và vô cùng thấu tình đạt lý đã khiến Kiều tha bổng ngay cho Hoạn, dù Hoạn đã được chỉ định là kẻ thù số một của Kiều. Hoạn là người duy nhất được Kiều tha mạng.

Tiếp nữa, qua những lần Hoạn tiếp cận, thưởng thức và đánh giá các tài nghệ của Kiều, chứng tỏ Hoạn rất rành bốn thú chơi thanh nhã của giới văn nhân tài tử thời ấy: cầm, kỳ, thi, họa. Nguyễn Du đã rất có chủ ý khi đưa các loại hình nghệ thuật khác nhau mỗi lần Kiều thể hiện, Hoạn thưởng thức. Lần thứ nhất, Kiều mới được đưa từ nhà mẹ Hoạn về nhà Hoạn, trong một đêm Hoạn yêu cầu thử tài với sáo và đàn, thấy Kiều “nỉ non thánh thót đắm say lòng người”, Hoạn ngay tức khắc có phần nể phục và sự ác cảm của Hoạn với Kiều, từ đó, cũng dần vơi “khuôn uy dường cũng bớt vài bốn phân”. Lần thứ hai, khi nhận được tờ thân cung của Kiều trình tấu, Hoạn chỉ xem qua rồi trao lại cho Thúc ngay, nhưng Hoạn đã cảm ngay được cái tài văn chương “vốn sẵn tính trời” của Kiều, đánh dấu bước ngoặt về thái độ, tình cảm, đối đãi với Kiều của Hoạn: “rằng tài nên trọng mà tình nên thương”. Hoạn rất tôn trọng và công bằng với cái tài, nên đã thừa nhận và nói ra một điều mà Hoạn chắc chắn biết mình không nên nói trước mặt Thúc Sinh: “giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên”. Lần cuối cùng, dù mới chứng kiến cuộc nói chuyện lén lút động trời giữa Kiều và Thúc, nhưng khi xem Kiều chép kinh, thấy chữ viết của Kiều, Hoạn phải thốt lên: “So vào với Thiếp Lan Đình nào thua” và tiếp tục biểu lộ sự ngưỡng mộ, kính trọng tài năng thiên phú của Kiều “nghìn vàng thực cũng nên mua lấy tài”.

Các yếu tố trên đôi khi đối lập, giằng xé nhưng tương hỗ, bổ trợ, bù đắp nhau, tạo nên một Hoạn Thư đa dạng, nhiều sắc thái, biến ảo, sinh động: khi thì cay nghiệt, giận giữ, nồng nàn; khi thì toan tính, khôn ngoan, mưu lược; khi thì hùng hổ, táo tợn, quyết đoán; khi thì từ bi, rộng lượng, vị tha.

Thế là, ngẫm thật kỹ, nhìn thật sâu và quán chiếu một cách tổng thể thì sau tất cả, đến cuối cùng, chỉ thấy còn lại ở Hoạn một con người như sau:

Một người đàn bà có sức chịu đựng và nhẫn nhịn hơn người.

Khi nghe được tin xấu từ chồng “từ khi vườn mới thêm hoa”, Hoạn đã vô cùng đau đớn và căm giận chồng, căm giận người đàn bà thứ ba bước vào phá hoại hạnh phúc gia đình mình “lửa tâm càng dập càng nồng”. Ngay lập tức, thân thế của một kẻ quyền lực lấy tay che trời ấy nghĩ đến sự sát phạt, trừng trị, định đoạt thân phận người đàn bà kia “kiến trong miệng chén có bò đi đâu”. Có lẽ Hoạn muốn đến ngay chỗ Thúc Sinh và Kiều ở để bắt thực tang và làm ra nhẽ với đôi tình nhân xấu xa kia. Nhưng sự tỉnh táo, thông thái của một người có học vấn và tu tập đã giúp Hoạn bình tĩnh, đắn đo, suy xét được mất kỹ lưỡng. Hoạn không chọn con đường làm ầm ĩ và công khai sự việc, vì muốn giữ thể diện cho chồng, cho mình và cho gia đình.

Sau khi bắt Kiều về nhà mẹ đẻ, rồi cho Kiều sang ở nhà mình, trong một thời gian ở chung, chắc chắn là Hoạn rất tức giận, thù ghét người đã cướp chồng mình. Nhưng trong suốt thời gian đó, Hoạn vẫn nhẫn nại, đè nén và không làm gì Kiều, không cho Kiều biết mình là ai để không lộ chuyện, dù kẻ địch ở ngay trong chính nhà mình.

Trực tiếp chứng kiến Kiều và Thúc Sinh khóc lóc, thề thốt sống chết: “Dẫu cho sông cạn đá mòn, con tằm đến chết vẫn còn vương tơ”, Hoạn vẫn đủ tự chủ, vẫn kìm lòng, đè nén để xem, để nghe, rồi lánh đi nơi khác và tiếp tục quay lại chỗ hai người hỏi thăm, nói chuyện nhằm ngắt cuộc hội thoại động trời ấy. Ở đây, sự nhẫn nại và chịu đựng của Hoạn không còn là của người phàm nữa. Chẳng người vợ nào có thể đứng im nghe chồng khóc lóc, nỉ non, van xin, thề thốt với người đàn bà khác ngay tại trong nhà mình như vậy cả. Diễn biến đó khiến Kiều rất thán phục: “thực tang bắt được dường này,…. chào mời vui vẻ nói năng dịu dàng”. Hoạn làm vậy bởi Hoạn cần làm vậy, phải làm vậy. Nếu Hoạn xuất đầu lộ diện, làm bung bét, tất cả sẽ đổ vỡ. Hoạn quả là hiện thân của “nhẫn” theo lời dạy nhà Phật.

Thứ hai, Hoạn là một con người nhân từ, rộng lượng và vị tha. Chúng ta chỉ cần lấy cách Hoạn đối xử với Kiều để thấy rõ điều đó.

Trong mắt Hoạn, Kiều là kẻ cướp chồng, phá hoại hạnh phúc gia đình mình (dĩ nhiên Kiều không có chủ ý ấy, Kiều chỉ là nạn nhân của Thúc Sinh. Nếu Thúc nghe lời thỉnh cầu của Kiều để chủ động báo cho Hoạn biết thân phận Kiều, thì tình thế đã hoàn toàn khác. Không may là Hoạn không hay biết nguồn cơn sự việc này), Hoạn không đẩy Kiểu vào đường cùng mà luôn trừ cho Kiều một con đường sống. Hoạn không có ác ý, không dã tâm với Kiều. Và cái việc Hoạn làm khổ, đọa đày Kiều ấy, nếu có, chỉ mang tính cảnh cáo, răn dạy thôi và dừng lại rất đúng lúc. Thực tế thì Hoạn đã làm gì Kiều? Gần như chẳng làm gì cả. Thời gian đầu Kiều về sống cùng Hoạn, làm “phận con hầu giữ con hầu giám sai” ấy, Hoạn không đánh đập, không xúc phạm, không làm khó Kiều lấy một lần. Hoạn chỉ làm tội Kiều đúng một đêm, đó là đêm Thúc Sinh trở về quê nhà thăm quê sau khi Thúc tưởng Kiều đã chết. Đêm đó, Hoạn dạy cho Thúc Sinh và Kiều một bài học. Rồi hết. Hệ quả, Kiều đau đớn và tủi phận nên thức và khóc suốt đêm “dĩa dầu với nước mắt đầy năm canh”. Sáng ra, khi thấy khuôn mặt khó coi của Kiều vì thức và khóc thâu đêm ấy, Hoạn tự mình hỏi tra rồi nhờ Thúc lấy thêm thông tin cụ thể. Chi tiết này cho thấy, đó rất có thể là Hoạn đã tìm cớ để tạo điều kiện cho Kiều thú thật thân phận, thú thật mối quan hệ của Kiều và Thúc với Hoạn. Nhận được cái thân cung của Kiều, Hoạn cảm thương ngay và cho Kiều ra chùa ở theo ý nguyện. Thực ra đó là cách Hoạn giải thoát cho Kiều, cho Thúc và cho cả mình. Và với Hoạn, trừng trị Kiều cùng Thúc đến vậy là đủ.

Việc Kiều bỏ trốn khỏi nhà Hoạn, đều là do Hoạn chủ động bày biện, dẫn dắt. Đừng ngây thơ mà tưởng Hoạn không hay Kiều trốn. Hoạn đã biết trước tổng tồng tông khi nghe lén cuộc nói chuyện giữa Thúc, Kiều “mấy lời nghe hết đã dư tỏ tường” – Thúc yêu cầu Kiều trốn khỏi nơi này: “Liệu mà cao chạy xa bay”. Hơn nữa, đừng quên, hai người hương trà cho Kiều trong chùa chính “tai vách mạch rừng” của Hoạn, Kiều làm gì mà họ không biết, họ chẳng ở đó chỉ để lo việc hương trà cho Kiều đâu. Nên chắc chắn, nô tỳ kể lại cho Kiều việc Hoạn và nô tỳ nghe lén Thúc và Kiều cũng là do Hoạn sắp xếp, để thúc đẩy cho việc trốn chạy của Kiều. Và nữa, với thế lực nhà Hoạn, uy quyền nhà Hoạn, Kiều không thể trốn đi đâu được hết – trong cái “quốc độ” ấy của Hoạn, Kiều làm gì, đi đâu mà Hoạn không biết, thế nào chẳng có tai mắt báo cáo lại cho Hoạn, trừ khi Hoạn cố tình làm ngơ mà thôi. Đúng như Hoạn đã kêu ca với Kiều để được tha mạng “nghĩ cho khi gác viết kinh, với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo”.

Thử đặt người khác vào vị trí Hoạn, thử so sánh cách đối đãi của Hoạn với tình địch và cách đánh ghen ta thường thấy bây giờ. Chỉ một tin nhắn bâng quơ nhầm vào số điện thoại của ai đó; chỉ nghe phong phanh chồng có bồ bịch bên ngoài thôi, chứ chưa nói tình thế động trời như Hoạn, nặng thì sẽ có những cuộc kéo người đi đánh ghen đến thịt đổ máu rơi, nhẹ thì cũng chửi bới om sòm ầm ĩ, làm cho ê chề, nhục nhã, mất mặt trước thiên hạ.

Thứ ba, Hoạn là người đàn bà, người vợ hết lòng vì chồng, vì gia đình. “Rằng tôi chút phận đàn bà, ghen tuông thì cũng người ta thường tình”.

Suốt truyện, ta chẳng thấy Hoạn có tham vọng, ước muốn gì xa xôi, to tát – không kinh doanh, không tham gia quan trường, dù có gia thế ngất trời như vậy. Hoạn chỉ đơn giản là người đàn bà giữ lửa trong nhà. Hoạn cam lòng cho chồng theo Thúc ông đi làm ăn rất xa, mình Hoạn và đám đầy tớ ở nhà. Thực tế, Hoạn chỉ là người bị động, bị đặt vào thế đã rồi, có thể mất chồng, cửa nát nhà tan nên Hoạn đã phải ra tay để cứu vãn hạnh phúc của mình. Nhưng lúc nào đi nữa, luôn thấy hình ảnh Hoạn lo lắng, suy tư và chăm lo cho chồng, cho cái tổ ấm của mình. Hoạn sẵn sàng làm tất cả, dù đó là việc vả miệng bẻ răng kẻ ăn người ở; đến xứ người đốt nhà, cướp người; rồi phải cắn răng chịu đựng, nhẫn nhịn trức Kiều và Thúc Sinh, thì mục đích cuối cùng, là giành lại chồng và bảo vệ gia đình.

Nhẫn nhịn, chịu đựng, bao dung, vị tha và hết lòng vì chồng con, sẵn sàng làm tất cả để bảo vệ hạnh phúc gia đình, là hình ảnh đặc trưng của người phụ nữ Việt. Hoạn đã được Việt Hóa. Nguyễn Du kể câu chuyện ở xứ người, nhưng thổi vào họ cốt cách, nhân phẩm đặc trưng người phụ nữ Việt. Đó là cách thi hào thể hiện tình yêu và tôn vinh giá trị đẹp của dân tộc, như ông đã làm thăng hoa và nâng tầm ngôn ngữ Việt.

Hoạn là một người đàn bà xứng đáng được ngưỡng mộ, yêu thương, cảm thông và nể trọng.

Nhân vật Hoạn Thư cho thấy tài nghệ xây dựng nhân vật của Nguyễn Du thần diệu đến nhường nào. Chúng ta đều bị đánh lừa và bị dẫn dắt. Thi hào thiên tài đến mức muốn nói gì theo ý mình cũng được, biến hóa khôn lường. Ban đầu, người đọc có ác cảm khi đánh giá Hoạn qua ngôn từ và cách tác giả miêu tả, nhưng rồi chính tác giả đã phủ nhận, đã bác bỏ hoàn toàn cách nghĩ ấy như đã được trình bày ở trên. Nên đọc Kiều, thật sự cần sự quán chiếu trong chánh niệm.

Đặng Quỳnh Giang

Bài viết khác

Tác giả: minhtri