Viết tiểu thuyết “ Nguyễn Du trên đường gió bụi” ( NXB Văn học – 2013 ) , nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Khôi muốn dùng văn chương để góp một tiếng nói nhằm phần nào giải đáp những câu hỏi lớn: “ Cuộc đời Nguyễn Du còn nhiều điểm “ mờ”! Mười năm gió bụi là một khoảng thời gian dài Nguyễn Du ở Thái Bình hay còn đi đâu nữa? Truyện Kiều được sáng tác ở thời điểm nào? Tại sao nhiều bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du viết về cảnh vật, con người Trung Hoa lại không trùng với con đường mà ông đi sứ? ”. Có thể nói tiểu thuyết “ Nguyễn Du trên đường gió bụi” giải đáp phần nào những câu hỏi về một giai đoạn cuộc đời và sáng tác của Nguyễn Du để làm sáng tỏ hơn những điều chưa biết về cuộc đời của Đại thi hào của dân tộc.
Về hoàn cảnh lịch sử, tác giả đã dựa vào những sự kiện trong thời kì Lê, Trịnh, phong trào Tây Sơn và những năm đầu triều Nguyễn. Tác giả đã khai thác bối cảnh lịch sử đó qua tác phẩm nổi tiếng: “ Hoàng Lê nhất thống chí” của Ngô gia văn phái. “ Hoàng lê nhất thống chí” từ trước đến nay được coi như là một bức tranh toàn cảnh về lịch sử trung đại Việt Nam ở thời kì suy tàn của chế độ phong kiến Lê, Trịnh, khi mà vua Lê chỉ “ khoanh tay rủ áo làm trò mua vui”, để cho chúa Trịnh tác oai tác quái; khi những tôn ti,đạo lí phong kiến quân, sư, phụ đã không còn được tôn trọng: “Sợ thầy không bằng sợ giặc, yêu chúa không bằng yêu thân”. Trong sự suy tàn chung của chế độ phong kiến với những loạn kiêu binh, sự tranh giành quyền lực của giai cấp thống trị, phong trào khơi nghĩa nông dân tiêu biểu là phong trào Tây Sơn ấy, cậu ấm con quan tể tướng phải chịu cảnh “ thập tải phong trần” cũng là điều dễ hiểu.
Sự suy vong của triều đại phong kiến, những bất hạnh của thân phận những người lương thiện như một sự ám ảnh cả cuộc đời thi nhân. Ông đã tổng kết tất cả nỗi đau của kiếp người qua tác phẩm bất hủ: “ Văn tế thập loại chúng sinh”. Với tập thơ chữ Hán “ Bắc hành tạp lục” , ông đã nói lên một thực tế là Nguyễn Du đã đến đất nước Trung Hoa trước khi ông được triều Nguyễn cử đi sứ sang Trung Quốc. Nhà văn Hoàng Khôi đã dựng lại cuộc hành trình đến một quốc gia chưa đặt chân đến bao giờ cũng chứng minh một sức sáng tạo rất đáng trân trọng đối với tác giả. Việc Nguyễn Du một mình khám phá đất nước Trung Hoa có thể là một dự đoán có cơ sở.
Tiểu thuyết đã mô tả cuộc đời Nguyễn Du từ thời thơ ấu cho đến những năm ông ở tuổi ba mươi. Đó là phủ Bích Câu, tư dinh của quan Tể tướng Nguyễn Nghiễm ở kinh thành Thăng Long. Tác giả đã dựng lại một bức tranh buồn về thân phận con người nơi Nguyễn Du sống những ngày thơ bé. Nơi ấy, thân mẫu của nhà thơ chỉ giữ phận tỳ thiếp bị coi thường, bị chèn ép, bị bao bọc giữa bao nỗi buồn thân phận. Thân mẫu Nguyễn Du thật đoản mệnh. Hình ảnh bà nắm chặt viên sỏi khi nhắm mắt gây nên sự xúc động lớn đối với người đọc.
Tác giả đã miêu tả mối tình đầu giữa cậu chiêu Bảy với cô gái lái đò trên sông Hồng. Từ một giai thoại, nhà văn Hoàng Khôi đã miêu tả khá sinh động về mối tình đầu của nhà thơ với cô Nhợt. Hình ảnh họ dắt tay nhau đi chơi trong đêm hội đền Chử Đồng Tử thật lãng mạn. Nhưng kết cục là một nỗi buồn, vì cảnh nghèo hèn của cô gái, vì không môn đăng hộ đối mà kết cục là sự chia ly, và sự mất tích của cô lái đò bất hạnh. Tác giả cũng đã say sưa miêu tả mối tình lãng mạn giữa Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương giữa tài tử và thi nhân bên bến nước Nghi Tàm, Hồ Tây. Một mối tình trong sáng, nghiêm túc để lại trong lòng Nguyễn Du bao nhiêu lưu luyến, nhớ nhung.
Tác giả dành nhiều bút mực để miêu tả cuộc khám phá đất nước Trung Hoa của chàng trai trẻ Nguyễn Du. Ông đã một mình dũng cảm từ Thái Nguyên, vượt qua biên giới, đến với Quảng Tây, Vân Nam, lên đến Trường An, rồi quay về Hàng Châu với một lộ trình xa lắc trên đất nước mênh mông và xa lạ ấy. Đến bất kì địa phương nào, gặp gỡ bất kì cảnh vật nào, con người nào, Nguyễn Du hầu như đều có thơ ghi lại cảm xúc của mình. Trên con đường trường chinh cô độc, Nguyễn Du đã đến với những nhân vật vĩ đại của đất nước Trung Hoa . Ông đã đến tận những nơi còn dấu tích của để tưởng nhớ những con người ấy như Khuất Nguyên, Nhạc Phi, Tô Đông Pha, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Dương Quý Phi … Có thể nói “ Bắc hành tạp lục” là một cuốn nhật kí bằng thơ của thi nhân. Trong cuộc hành trình ấy, một điều may mắn vô cùng cho Nguyễn Du và cho thơ ca cổ điển Việt Nam là ông đã bắt gặp và đã say sưa đọc Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Những tình tiết, những nhân vật trong cuốn sách có những điểm khác nhưng với tư tưởng nhân văn cao cả, với tài hoa của một thi sỹ lớn, ông đã Việt hóa những cảnh vật, những số phận con người, điển hình hóa đến mức cao độ để phù hợp với cuộc sống cũng như con người Việt Nam qua tác phảm vĩ đại, “Truyện Kiều”.
Ở phần cuối cuốn sách, nhà văn Hoàng Khôi đã thông qua Nguyễn Du để bày tỏ tình cảm yêu thương của mình đối với quê hương Nghi Xuân. Dù chỉ là một mảnh đất nghèo, biển xanh cát trắng nhưng nơi ấy thực sự là một vùng đất địa linh nhân kiệt. Theo bước chân của Nguyễn Du, Nguyễn Hành, tác giả đưa ta đến với làng quê Tiên Điền, bắt gặp một bến Giang Đình, một cầu Tiên, một cửa biển Hội Thống, được nghe hát ca trù Cổ Đạm, được đi săn thú bẫy chim. Về quê hương Nghi Xuân, Nguyễn Du trở thành “ Nam hải điếu đồ, “ Hồng Sơn liệp bộ” Rồi tác giả lại nói rõ lí do tại sao những ngôi mộ của một dòng họ danh gia vọng tộc như họ Nguyễn Tiên Điền đều không đắp nấm mà để phẳng. Dẫu lên rừng, xuống biển, vào chùa hay say mê ngắm những cảnh đẹp quê hương nhưng vẫn không khỏa lấp được “ một nỗi buồn cố hữu, một nỗi sầu nhân thế mênh mông” trong tâm hồn lộn gió bốn phương của đại thi hào. Tất cả những trải nghiệm đó đã đươc dồn nén để có một “Truyện Kiều” bất hủ.
Cuốn sách có 15 phần. Sự sắp xếp các phần có chỗ chưa hợp lí, chưa theo trình tự về thời gian. Giá như ở một số chỗ, tác giả đừng sa đà vào sự kiện làm ảnh hưởng đến mạch văn thì sức hấp dẫn của tác phẩm sẽ tốt hơn.
Với tiểu thuyết: “Nguyễn Du trên đường gió bụi”, nhà văn Hoàng Khôi đã phần nào lí giải bằng hình tượng văn học những điểm “mờ” trong cuộc đời và sáng tác của Đại thi hào. Tôi tin rằng, rồi đây, những nhà nghiên cứu, những người yêu mến Đại thi hào của dân tộc sẽ làm sáng tỏ những dự đoán bằng cảm quan văn chương của nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Khôi.
Nguyễn Đình Tùng
(Hội Kiều học Việt Nam)