Lời nói đầu cuốn sách “Doanh nhân với Truyện Kiều- Truyện Kiều với Doanh nhân”

Nhân lễ giỗ lần thứ 197 ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du (1765 – 1820), Hội Kiều học Việt Nam phối hợp với Tổng công ty Hanvico – Ấm Áp Như Lòng Mẹ tổ chức cuộc giao lưu, tọa đàm về chủ đề: Doanh nhân với Truyện Kiều – Truyện Kiều với Doanh nhân.

alt

Đây là sự nhất trí đồng tâm giữa hai tổ chức: Hội và Doanh nghiệp nhằm hướng tới một lĩnh vực quan trọng, nếu không nói là quan trọng hàng đầu, của cuộc sống dân tộc hôm nay – đó là hoạt động của tầng lớp doanh nhân và vai trò của kinh tế tư nhân đối với sự phát triển nhanh chóng và bền vững của đất nước trong bối cảnh Toàn cầu hóa, Cách mạng số và Kỷ nguyên thông tin hôm nay.

Trong những nhân tố (hoặc điều kiện) cốt thiết cho sự hình thành bản lĩnh một doanh nhân chân chính, rất cần một tư chất văn hóa, có thể gọi là văn hóa doanh nhân; cái đó chỉ có thể được bắt nguồn, được bồi đắp, được tiếp sức, được kết tinh và tỏa sáng bởi những tinh hoa văn hóa dân tộc. Và nói tinh hoa văn hóa dân tộc, không thể không nói đến Nguyễn Du – Đại thi hào dân tộc, với hai lần bước ra đại lộ văn minh nhân loại, trong tư cách Danh nhân Văn hóa thế giới; và Truyện Kiều – “thiên thu tuyệt diệu từ”, với 3.254 câu thơ không câu nào được phép quên, trong đó có câu thứ 3.252 “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài” – đã là công dân Việt hẳn không ai không in sâu vào tâm khảm, trong suốt hơn 200 năm qua…

Chủ đề mới, chủ thể tổ chức mới, cuộc giao lưu chỉ có thể có được thành công nhờ vào sự đóng góp của các tác giả là các doanh nhân và các nhà nghiên cứu, như được thể hiện ở sách này.

Thay mặt Hội Kiều học Việt Nam và Tổng công ty Hanvico, xin được gửi đến các tác giả và tất cả những người tham dự cuộc giao lưu lời cảm ơn chân thành, cùng lời chúc cuộc gặp gỡ thân tình, đầm ấm này tạo được một dấu ấn riêng và có kết quả như chúng ta mong đợi.

Hà Nội mùa Quốc Khánh 2017

và tháng Vu Lan Đinh Dậu

GS. Phong Lê – TS. Phạm Văn Tuần

Bài viết khác

Tác giả: minhtri