Nguyễn Du và những giá trị vượt thời gian- Đoàn Lê Giang

(Hội thảo Kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du ở TP.HCM)

NGUYỄN DU VÀ NHỮNG GIÁ TRỊ VƯỢT THỜI GIAN[1]

Đoàn Lê Giang[2]

250 năm trước từ đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, một trong những người Việt Nam vĩ đại nhất đã ra đời: Nguyễn Du. Nếu những ghi chép trong Nguyễn tộc thế phả là chính xác thì Nguyễn Du sinh ngày 23 tháng 11 năm Ất dậu 1765, tức là chúng ta đã tổ chức đón sinh nhật lần thứ 250 năm của Nguyễn Du trước 10 ngày([3]). Trong năm Kỷ niệm Nguyễn Du năm nay, nhiều cơ quan, địa phương trong cả nước tổ chức lễ hội văn hóa, hội thảo khoa học kỷ niệm Nguyễn Du, nhưng Hội thảo của chúng ta có niềm tự hào là hội thảo khép lại năm Nguyễn Du, đồng thời cũng là hội thảo được tổ chức gần ngày sinh Nguyễn Du nhất.

Nói đến Nguyễn Du, trước hết chúng ta nói đến những sáng tác ghi lại suy tư, cảm xúc cá nhân của ông, đó là thơ chữ Hán. Trong ba tập thơ chữ Hán để lại: Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm Bắc hành tạp lục, tập thơ nào cũng hay, cũng mang dấu ấn cá nhân rất rõ, nhưng trong đó phong phú nhất, sâu sắc nhất, để lại nhiều dư vang trong lòng người đọc nhất là Bắc hành tạp lục. Trong 14 tháng đi sứ Trung Hoa, về không gian Nguyễn Du đã đi ngược lên phía Bắc đến kinh đô Bắc Kinh Trung Quốc,  thì về thời gian, Nguyễn Du đi ngược lên lịch sử hơn 4000 năm của Trung Quốc để điểm duyệt lại lịch sử và văn hóa của đất nước này. Đồng thời Nguyễn Du lần đầu tiên có những trải nghiệm cá nhân trực tiếp về đất nước vẫn được ngợi ca như hình mẫu lý tưởng của đất nước mình.

Ông không bị quy mô rộng rãi về địa lý, kích thước lớn lao của các công trình xây dựng, tầm vóc vĩ đại của nền văn hóa Trung Hoa che mất tầm nhìn của mình. Từ “những điều trông thấy”  ông đã có những suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ và rất riêng về đất nước láng giềng này.

Ông nhìn thấy sự phân đôi trong lịch sử và xã hội Trung Hoa: có đất nước Trung Hoa của những kẻ thống trị sâu hiểm, trí trá, hám lợi, hám lập đại công,  nhưng cũng có đất nước Trung Hoa của những người lương thiện, những trí thức tài năng bị phỉ báng, bị đọa đày; có Trung Hoa của những kẻ giàu có, thừa mứa, nhưng cũng có Trung Hoa của những người tha phương cầu thực, rách rưới, gầy gò, chết đói.  Ông vỡ mộng về Trung Hoa:

Tưởng đây no ấm dồi dào,

Hay đâu đây cũng cheo neo khốn cùng.

(Chỉ đạo Trung Hoa tẫn ôn bão,

Trung Hoa diệc hữu phù như thị)

                        Thái Bình mại ca giả/ Người hát rong ở Thái Bình

Ông  tỏ ra thất vọng về con đường Trung Hoa – con đường Trung Hoa không bằng phẳng, không khoáng đạt như ông từng nghe ngợi ca. Phải chăng điều ấy cũng thể hiện sự hoang mang về giới chính trị Trung Hoa, về mô hình Trung Hoa:

Mọi người đều nói đường Trung Hoa bằng phẳng,

Đường Trung Hoa lại như thế này ư!

Sâu hiểm quanh co như lòng người.

(Cộng đạo Trung Hoa lộ thản bình,

Trung Hoa đạo trung phù như thị,

Oa bàn khuất khúc tự nhân tâm)

Ninh Minh Giang chu hành/ Đi thuyền trên sông Ninh Minh

Giữa sự phân đôi của lịch sử và xã hội Trung Hoa, ông lựa chọn chỗ đứng cho người nghệ sĩ như mình. Ông đứng về phía những Tỷ Can, Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Văn Thiên Tường; những ông già hát rong ở thành Thái Bình, những người chết đói bên vệ đường trong cuộc chạy loạn, bốn mẹ con ăn xin mà ông thấy dọc đường, người đẩy xe trên đường nắng rát ở Hồ Nam… Vượt lên trên những định kiến hẹp hòi phân chia biên giới quốc gia, ông tìm thấy mối đồng cảm giữa mình với những người Trung Hoa khốn khổ kia ở tính người, ở kiếp người vất vả, khổ đau:

Anh đẩy xe kia quê ở đâu,

Mình nhìn nhau, thấy đều vất vả như nhau.

(Hà xứ thôi xa hán,

Tương khan lục lục đồng.)

Hà Nam đạo trung khốc thử/ Nắng rát trên đường đi Hà Nam

Bắc hành tạp lục có thể được coi như tác phẩm vĩ đại nhất trong kho tàng thơ ca chữ Hán hàng nghìn năm của dân tộc, nó vĩ đại không phải vì được sáng tác ra bởi tác giả Truyện Kiều mà từ giá trị tự thân của nó. Nhìn rộng ra, khi đặt tập thơ ấy bên cạnh những thi tập của Khuất Nguyên, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Tô Đông Pha, Văn Thiên Tường, Lục Du… hay các nhà thơ chữ Hán Nhật Bản, Hàn Quốc, chúng ta cũng thấy nó không thua sút, dù chỉ một chút nào.

Nói đến Nguyễn Du, người Việt chúng ta cũng như bạn bè của chúng ta trên thế giới, đều nghĩ ngay đến Truyện Kiều – “khúc Nam âm tuyệt xướng” (từ dùng của Đào Nguyên Phổ).

Khi Nguyễn Du đưa cho người bạn của mình là Phạm Quý Thích cuốn Đoạn trường tân thanh để đi khắc in ở phố Hàng Gai (Thăng Long), ông không nghĩ  tập giấy dó mỏng manh của mình sẽ trở thành kiệt tác và có số phận kỳ lạ vào bậc nhất trong các tác phẩm văn chương của xứ sở này. Nhưng với Phạm Quý Thích, bằng con mắt xanh hiếm có, ông đã tiên đoán ngay tác phẩm này sẽ có sức sống lâu dài: Bạc mệnh cầm chung oán hận trường (Tiếng đàn Bạc mệnh của Thúy Kiều đã dứt nhưng oán hận thì còn mãi). Và quả vậy, từ khi Truyện Kiều được khắc in và truyền bá, thì từ vua quan cho tới thứ dân ai cũng đọc Kiều, mê Kiều. Các ông vua tài văn chương như Minh Mạng, Tự Đức tổ chức cuộc thi vịnh Kiều ở Kinh đô, các quan nhân – thi sĩ lừng danh triều Nguyễn đều đọc Kiều, bình Kiều và vịnh Kiều: Vũ Trinh, Nguyễn Lượng, Nguyễn Đăng Tuyển (Mộng Liên Đường Chủ Nhân), Phong Tuyết Chủ Nhân Thập Thanh Thị, Nguyễn Công Trứ, Hà Tông Quyền, Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh, Đào Nguyên Phổ… Người ta làm chèo về Kiều, tuồng Kiều, vẽ tranh Kiều, đố Kiều, tập Kiều, lẩy Kiều… Người dân coi việc biết Truyện Kiều là tiêu chuẩn của một người biết sống:

Làm trai biết đánh tổ tôm,

Uống trà mạn hảo, xem nôm Thuý Kiều.

Người nông dân cũng rất mê Kiều. Người ta ru Kiều, ngâm Kiều trên võng, bên bờ tre, ở bờ ruộng, rất nhiều người thuộc lòng Truyện Kiều… Truyện Kiều đi vào lời ăn tiếng nói, khúc ca điệu hát dân gian:

Sen xa hồ, sen khô hồ cạn,

Liễu xa đào, liễu ngả đào nghiêng.

Anh xa em như bến xa thuyền,

Như Thúy Kiều xa Kim Trọng biết mấy niên tái hồi.

Năm 1884-1885 Abel des Michels[4], bác sĩ đồng thời là giáo sư tiếng Việt ở Paris đã cho xuất bản Kim Vân Kiều tân truyện ở Nhà Ernest Leroux, Paris và thuyết trình về Truyện Kiều ở Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn Paris (Académie des Inscription et Belles – Lettres)[5] . Từ đây Truyện Kiều đã bước ra khỏi không gian quốc gia để bắt đầu cuộc hành trình đi đến thế giới. Từ Pháp, Truyện Kiều đi đến Nhật Bản, Trung Quốc, Tiệp Khắc, Ý, Anh, Đức, Nga, Ba Lan, Tây Ban Nha, đến tận A-rập, Hungary, rồi lại vòng về Hàn Quốc, Lào, Thái…Cho đến nay Truyện Kiều đã được dịch ra 23 thứ tiếng với gần 70 bản dịch khác nhau, và con số này chưa phải là con số cuối cùng.

Điều gì tạo nên sức hút của Truyện Kiều như thế?

Phải chăng vì Truyện Kiều kể cho ta nghe câu chuyện khổ đau của kiếp người qua bao nhiêu dâu bể? Con người bị săn đuổi, bị bao vây, dồn ép, bị mua đi bán lại, bị đày đọa mà không ai dám bênh vực, cứu giúp cho đến khi phải tự chọn lấy cái chết mới thôi.

Truyện Kiều chia sẻ với chúng ta, băn khoăn cùng chúng ta một câu hỏi lớn về “phận đàn bà” và cũng là số phận con người.

Truyện Kiều trong khi thể hiện các số phận khác nhau đã đi sâu vào phân tích tâm lý, từng ngõ ngách tế vi của tâm lý con người, làm cho các nhân vật trở nên vô cùng sống động, như có thể nhìn thấy ngoài đời, như có thể cầm tay, chào hỏi, trò chuyện. Đó là Thúy Kiều, Kim Trọng, Từ Hải, là Thúc Sinh, Hoạn Thư, Hồ Tôn Hiến, Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Tú Bà…Những nhân vật từng bước thẳng từ trang văn ra đến cuộc đời.

Điều kỳ diệu nhất khiến cho Truyện Kiều còn hiện diện giữa chúng ta hôm nay chính là ngôn ngữ tác phẩm. Đó là một thứ ngôn ngữ nghệ thuật vô cùng phong phú và tinh tế; nó vừa có cái trang nghiêm cao cả, lại vừa có cái giản dị bình thường;  vừa có cái hào hùng mạnh mẽ, lại cũng có cái trầm thống bi thương; vừa có cái mượt mà chải chuốt, lại vừa có cái thô ráp đời thường…Như suối nguồn, như vực sâu không bao giờ cạn. Truyện Kiều đã đưa tiếng Việt trở thành một thứ ngôn ngữ văn hóa sánh ngang với các ngôn ngữ lớn nhất trên thế giới. Truyện Kiều là bằng chứng hùng hồn nhất cho sức sống tiềm tàng của ngôn ngữ dân tộc, của văn hóa dân tộc, và cũng là của bản lĩnh dân tộc – một dân tộc dù gian khổ, tủi nhục bao nhiêu, nhưng vẫn không bao giờ chịu bị đồng hóa, không chịu cúi đầu.

Sức sống, sức lan tỏa tác phẩm của Nguyễn Du cho chúng ta những bài học sâu sắc về thái độ sống của người trí thức và quan niệm sáng tạo nghệ thuật của người cầm bút. Cuộc sống, đối với Nguyễn Du đó là sự lựa chọn và giải quyết mâu thuẫn giữa thái độ dấn thân làm người có ích nhưng đồng thời không bị vong thân trước quyền lực và danh lợi. Sáng tạo nghệ thuật, đối với Nguyễn Du, đó là con đường gian truân trong sự hoàn thiện tài năng, học vấn và nhân cách, đó là sự lựa chọn chỗ đứng của người nghệ sĩ: đứng về phía những người khốn khổ, những góc tối, góc khuất của cuộc đời để từ đó sáng tạo ra những tác phẩm chân thực, sâu sắc có sức rung động lòng người, giúp cho con người trở nên trong sáng, cao cả và đẹp đẽ hơn.

250 năm trôi qua, Nguyễn Du đã để lại sự nghiệp tuy không thật đồ sộ về mặt số lượng, chỉ có 3 tập thơ chữ Hán, một bài văn tế Nôm 184 câu thơ song thất lục bát và một cuốn truyện thơ Nôm 3254 câu lục bát, nhưng sức sống của nó lại vô cùng mạnh mẽ với những giá trị hết sức phong phú. Hơn 200 năm nghiên cứu, các nhà thơ, nhà văn, các nhà nghiên cứu phê bình đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề về thân thế và tác phẩm của Nguyễn Du, đã chỉ ra nhiều giá trị ẩn tàng trong ấy. Tuy nhiên cũng vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra.

  • Thứ nhất là các vấn đề thuộc về tiểu sử của tác giả: quê hương, gia đình, cuộc đời tác giả. Những tư liệu liên quan đến những giai đoạn khác nhau của cuộc đời Nguyễn Du: “Mười năm gió bụi”, “Dưới chân núi Hồng”, “Làm quan cho triều Nguyễn” và nhất là sứ trình của Nguyễn Du. Kể từ khi kỷ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du đến nay đã 50 năm nay, giới nghiên cứu đã tìm được thêm những tư liệu gì liên quan đến sứ trình của tập thơ Bắc hành tạp lục ở các kho lưu trữ Trung Quốc?
  • Thứ hai là vấn đề văn bản tác phẩm. Thơ chữ Hán Nguyễn Du có còn gì ngoài 249 bài thơ đã công bố trong cả 3 tập thơ của ông? Những câu đoạn rời rạc còn thấy đây đó trong các tài liệu Hán Nôm cho thấy thơ chữ Hán của Nguyễn Du còn nhiều hơn thế. Đặc biệt tác phẩm Truyện Kiều, chúng ta còn có khả năng tìm được văn bản của chính Nguyễn Du hay gần như vậy không? Văn bản khả tín nhất hiện nay là thế nào? Từng câu từng chữ trong tác phẩm, dù khơi gợi ra những cuộc tranh cãi bất tận, nhưng phương án tốt nhất là thế nào?
  • Thứ ba là thơ chữ Hán của Nguyễn Du và nhất là Bắc hành tạp lục, cần phải có bản dịch nghĩa, chú thích và dịch thơ tốt hơn nữa. Chúng ta có nên tổ chức thi dịch thơ chữ Hán của Nguyễn Du để từ đó chọn được những bản hay nhất, góp phần đưa Nguyễn Du đến gần hơn với người đọc?
  • Thứ tư là nghiên cứu phê bình Truyện Kiều. Bên cạnh việc đào sâu hơn nữa vào giá trị của tác phẩm, cũng cần phải nghiên cứu rộng ra sự tiếp nhận của đời sau đối với Truyện Kiều. Việc nghiên cứu một cách công phu, có hệ thống việc tiếp nhận Truyện Kiều ở phía Nam đất nước vẫn còn là một mảnh đất cần được khai phá thêm. Những Túy Kiều phú, Túy Kiều án, Kim Vân Kiều ca cho thấy những “phó bản” Truyện Kiều ở đất Nam Bộ còn rất phong phú. Việc mở rộng nghiên cứu những người anh em phương xa của Truyện Kiều ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là một công việc hết sức thú vị. Những tư liệu xung quanh Kim Vân Kiều truyện còn rất phong phú, Truyện Kim Trọng và A Kiều của người Việt ở Quảng Tây (Trung Quốc), Kim Kiều truyện Kim ngư truyện của Nhật Bản, khả năng truy tìm nhửng người anh em Truyện Kiều ở Hàn Quốc gợi cho học giới những chân trời mới hết sức rộng rãi.

Tất cả những vấn đề trên vẫn tiếp tục là những thách thức đối với các nhà nghiên cứu. Đó cũng là những vấn đề đặt ra trong Hội thảo hôm nay. Đọc qua các báo cáo gửi đến Hội thảo, chúng tôi vui mừng nhận thấy rằng Hội thảo Kỷ niệm 250 năm năm sinh Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du do Trường Đại học KHXH và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM tổ chức đã đánh dấu một bước tiến mới, một bước tiến quan trọng trong việc nghiên cứu Nguyễn Du và Truyện Kiều. Chúng tôi mong muốn rằng, trong Hội thảo hôm nay, các nhà nghiên cứu giới thiệu các nghiên cứu của mình, bàn bạc tranh luận để làm rõ hơn những vấn đề đã nêu ra.

Tưởng nhớ đến Nguyễn Du, chúng ta tưởng nhớ một trong những người Việt Nam vĩ đại nhất của dân tộc chúng ta, một con người được sinh ra như là sự chung đúc của non sông đất nước, của nền văn hóa sâu sắc và phong phú của chúng ta, đồng thời cũng là một con người góp phần làm sâu sắc hơn, phong phú hơn văn hóa chúng ta, làm vẻ vang non sông đất nước chúng ta, góp phần làm cho dân tộc ta trường tồn và phát triển mãi mãi.

200 năm trước Nguyễn Du lo không có ai hiểu nỗi lòng mình – Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như ?, chúng ta không dám mạo muội làm người tri âm của ông, nhưng chúng ta là những người trân trọng tấm lòng của ông, trân trọng những đóng góp của ông đối với dân tộc. “Những đấng tài hoa” như ông “Thác là thể phách còn là tinh anh”. Chúng ta đến đây thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến ông, cầm ngọn đuốc soi tỏ những trang văn “tinh anh” của ông và truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, từ thế hệ chúng ta cho đến những thế hệ mai sau.

Tháng 12, năm 2015

                                                                                                Đ.L.G

 

Tư liệu tham khảo

  1. Nguyễn Du (2015), Truyện Kiều, Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim hiệu khảo, NXB Thế giới và Nhã Nam tái bản
  2. Nguyễn Du (1996), Nguyễn Du toàn tập, tập 1, NXB Văn học và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học xuất bản
  3. Alain Guillemin (2010), Các bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp, Tạp chí Văn hóa Nghệ An tháng 5 năm 2010, http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhin-ra-the-gioi/cac-ban-dich-truyen-kieu-sang-tieng-phap)

 

(Đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Du, Đoàn Lê Giang, Huỳnh Như Phương tuyển chọn, NXB. Đại học Quốc gia TP.HCM, 2015)

[1] Báo cáo đề dẫn Hội thảo khoa học “Kỷ niệm 250 năm năm sinh Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du” do Trường Đại học KHXH & NV – ĐHQG TP.HCM tổ chức vào ngày 23 tháng 12 năm 2015

[2] PGS.TS., Trường Đại học KHXH & NV – ĐHQG TP.HCM

[3] Nguyễn tộc thế phả ghi Nguyễn Du sinh ngày 23 tháng 11 năm Ất dậu tức 3/1/1766. Ngày 23 tháng 11 năm nay là 2/1/ 2016. Hôm nay ngày 23 tháng 12 năm 2015 Hội thảo Nguyễn Du, tức là trước 2/1/2016 là 10 ngày.

[4] Abel des Michels (1833-1918), cử nhân luật, bác sĩ tại bệnh viện ở Paris vào năm 1857. Ông từng học tiếng Trung Hoa. Ông mở lớp dạy tiếng Việt miễn phí tại Trường thực hành Sorbonne vào năm 1869, rồi trở thành giảng viên tiếng Việt đầu tiên tại Trung tâm Ngôn ngữ Đông phương. Ông chưa bao giờ sang Việt Nam và có thể tiếng Việt của ông không thật tốt. Người giúp ông dịch Truyện Kiều có lẽ là Trần Nguyên Hành, xuất thân nho học, cử nhân luật tại Paris và là trợ giảng tiếng Việt tại Trung tâm ngôn ngữ Đông phương từ năm 1879 đến năm 1882. Ngoài ra còn có Michel Duc Chaigneau, con nuôi vua Gia Long, sinh ra và lớn lên ở Huế (Alain Guillemin: Các bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp, Tạp chí Văn hóa Nghệ An tháng 5 năm 2010, http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhin-ra-the-gioi/cac-ban-dich-truyen-kieu-sang-tieng-phap)

[5] Lời giới thiệu bản dịch tiếng Pháp “Kim Vân Kiều tân truyện” của Abel des Michels, 1884, Nguyễn Thị Thanh Xuân dịch.

 

Bài viết khác

Tác giả: minhtri