Nguyễn Du trước ngã ba đường của lịch sử và văn học

Huỳnh Như Phương – Đoàn Lê Giang*

Có một điều gì gần như là định mệnh khi chàng thiếu niên 14 tuổi Nguyễn Du cầm trên tay cuốn Kim Vân Kiều truyện, tìm thấy nơi tủ sách gia đình người bác ruột là Nguyễn Huệ, và nảy ra ý định sáng tác lại thành truyện thơ. Từ đó cho đến khi Đoạn trường tân thanh như một sáng tạo độc đáo hình thành với 3254 câu thơ lục bát, thời gian có lẽ không ngắn, nhưng cuộc gặp gỡ đó là một cú hích cho những chọn lựa tiếp theo làm rực sáng một thiên tài.

Ở đây không có một mặc khải nào như lời nhắc gọi “Tolle et lege” (Hãy cầm lấy và đọc) dành cho Thánh Augustin ở trời Tây 15 thế kỷ trước đó, bởi cuộc gặp gỡ này không phải là ơn thánh sủng, cũng không hề là ngẫu nhiên mà biểu hiện cho cuộc gặp gỡ giữa thiên tài và lịch sử, giữa văn học và chính trị, giữa hai nền văn hóa vừa cộng đồng vận mệnh trong thế giao lưu, vừa tranh chấp nhau để giữ gìn căn cước của chính mình.

Được đào luyện trong một gia đình danh giá, trước mắt chàng thiếu niên Nguyễn Du khi ấy đã có con đường lập thân dọn sẵn. Cha là Nguyễn Nghiễm, từng giữ chức Đại tư đồ (Tể tướng), kiêm thượng thư bộ Hộ, lại còn lập nhiều công trạng với triều đình khi đem quân chinh phạt nông dân khởi nghĩa. Hai anh là Nguyễn Khản làm đến chức Thượng thư bộ Lại, Nguyễn Điều – Trấn thủ Sơn Tây. Nói theo ngôn ngữ hiện đại, Nguyễn Du có một “truyền thống gia đình” và một “lý lịch tốt” để bảo chứng cho con đường hoạn lộ. Mà thật sự thì đâu phải ông thiếu năng lực hành đạo: ông được nhà Nguyễn tin dùng, phong chức tri huyện Phù Dung, tri phủ Thường Tín, cai bạ dinh Quảng Bình, rồi sau đó là Cần chánh điện đại học sĩ và Hữu tham tri bộ Lễ.

Lịch sử không biết chữ “nếu”, nhưng giả định điều gì sẽ xảy ra nếu Nguyễn Du toàn tâm toàn ý dấn thân theo con đường chính trị? Chắc hẳn rằng trong trường hợp đó, Nguyễn Du vẫn có thể là một nhà thơ, nhưng là nhà thơ chính thống của triều đình. Trước ông và cùng thời với ông, văn học đã chứng kiến tiếng nói nghệ thuật quan phương của các nhà thơ trong Hội Tao Đàn, của Phạm Nguyễn Du, Bùi Huy Bích, Nguyễn Huy Lượng, Ninh Tốn, Vũ Huy Tấn… Một ông quan Nguyễn Du thanh liêm, giữ lương tri trong sạch trong chính trường và thể hiện cảm hứng đạo lý trên văn đàn, có thể đó là hình ảnh Tố Như theo con đường nhập thế thông thường.

Tất nhiên, Nguyễn Du cũng không chọn hẳn con đường đối lập của một thi nhân xuất thế mà những người tiền bối còn để lại tấm gương: tìm nơi ẩn dật, ngợi ca chữ nhàn, khước từ công danh phú quý. Cảm quan tuyệt vời về thiên nhiên và thế thái nhân tình sẽ đưa Nguyễn Du đứng bên cạnh Nguyễn Hàng, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dữ, Ngô Thì Úc ở phía trước và Phạm Quý Thích, Nguyễn Huy Hổ, Đinh Nhật Thận cùng Nguyễn Hành, người cháu tài năng của ông, ở phía sau.

Nhập thế hay xuất thế, trước ngã ba đường đó, Nguyễn Du chỉ có thể là ông: không dấn sâu trong hành động mà vẫn là nhập thế trong tư tưởng, văn chương; không rút chân khỏi chính trường mà vẫn là xuất thế trong thái độ làm người để không a tòng với bả vinh hoa phú quý và danh lợi. Người đời sau có thể xem ông là người mâu thuẫn, “đành phận”, thậm chí là “ba phải” để dung hòa những đối cực. Nhưng xét cho cùng, trên đời này có thiên tài thực sự nào mà “nhất quán một đường”, không mâu thuẫn: Balzac là mâu thuẫn, Tolstoi là mâu thuẫn, Dostoevski càng đầy mâu thuẫn…

Chọn lựa giữa nhập thế và xuất thế hay con đường thứ ba của Nguyễn Du không phải là một chọn lựa phi lịch sử. Đó là một chọn lựa gay cấn, sinh tử trong bối cảnh một dân tộc đang hoang mang trước những biến động của một thời tao loạn. Nguyễn Du không phải chỉ giằng xé giữa tư tưởng hành đạo của Nho gia và tư tưởng ẩn dật của Đạo gia, như nhiều danh sĩ thời phong kiến thịnh trị. Tâm hồn ông bị đốt cháy trong nỗi giằng xé trước những câu hỏi của thế sự: chọn triều đình đang mất dần tính chính danh hay nhân dân đau khổ, chọn “sự ổn định” để hoài niệm quá khứ hay “sự nổi loạn” để thay đổi hướng về tương lai, chọn Nguyễn Huệ hay Nguyễn Ánh?

Trên nước ta, bước chuyển đổi từ cuối thế kỷ 18 sang đầu thế kỷ 19 và từ cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20 đều đánh dấu bằng những cuộc khủng hoảng về chính trị và văn hóa. Nhưng ở thời điểm trước, mầm mống khủng hoảng chủ yếu xuất hiện bên trong nội bộ dân tộc làm cơ hội cho sự tái can thiệp từ phương Bắc; còn ở thời điểm sau mầm mống gây hấn đến từ thế lực bên ngoài tận trời Tây làm tác nhân thúc đẩy sự rệu rã ở bên trong. Trải qua những quá trình dài ngắn khác nhau, với những tổn thất nặng nề không kể xiết, dân tộc đã biết huy động tiềm lực xã hội và văn hóa để giải quyết khủng hoảng, giành lấy tự chủ và độc lập. Những người nghệ sĩ nhiều nhạy cảm như Nguyễn Du hẳn không khỏi phân vân, lưỡng lự trước những cơn sóng triều của lịch sử. Nhưng bằng con đường nghệ thuật, chính họ đã chuẩn bị cho thế kỷ 19 và cả thế kỷ 20 diễn ra như sự đáp ứng những đòi hỏi tinh thần của dân tộc, dù là những đáp ứng dở dang, không trọn vẹn.

“Ngẩn ngơ trông ngọn cờ đào” (Tố Hữu), khi Quang Trung ra đến Thăng Long, Nguyễn Du chạy trốn lên Kinh Bắc rồi về Sơn Nam Hạ. Như sử sách và gia phả Nguyễn Du còn ghi lại, không cộng tác với Tây Sơn, ông còn nuôi ý định chạy trốn vào Nam theo Nguyễn Ánh, người lúc đầu lấy hiệu Lê Trung hưng để thu phục các nhân sĩ muốn khôi phục nhà Lê. Vì việc này, Nguyễn Du bị Quận công Nguyễn Thận, bạn thân của người anh ruột là Nguyễn Đề, bắt giam ba tháng và chỉ trả tự do khi nhận ra người “tù nhân lương tâm” này không chống Tây Sơn một cách quyết liệt như Hoàng Quang, Trần Danh Án, Lê Duy Đản… mà chẳng qua đó là cách bày tỏ một thái độ đạo đức, thể hiện qua hai câu thơ:

Hán mạt nhất thời vô nghĩa sĩ,

                         Chu sơ tam kỷ hữu ngoan dân.

Nghĩa là:               Cuối Hán tạm thời không nghĩa sĩ,

Đầu Chu vẫn có dân trung thành.

Khi Nguyễn Ánh thu lấy giang sơn về một mối, Nguyễn Du buộc phải cộng tác với nhà Nguyễn, nhưng lòng ông luôn tỏ ra lạnh nhạt với quyền lực. Những bài thơ trong phần sau của Thanh Hiên thi tập cho thấy ông không mấy thiết tha với đời sống chính trị. Xét cho cùng, Nguyễn Du không phải là nghệ sĩ của một triều đại nào. Ông luyến tiếc nhà Lê nhưng rồi cũng nhận ra rằng “Cổ lai vị kiến thiên niên quốc” (Xưa nay chưa từng thấy triều đại nào nghìn năm). Ông dửng dưng và nghi ngại với phong trào Tây Sơn nhưng lại có cảm tình với tiếng đàn nàng Nguyễn (“Nguyễn cầm”), một hình tượng trong bài thơ Long Thành cầm giả ca. Ông đành phải nhận bổng lộc của Nguyễn Ánh, nhưng không có một lời thơ nào ca tụng nhà Nguyễn. Với chất men bất phục tùng của người nghệ sĩ, Nguyễn Du thất vọng với mọi thiết chế quyền lực đã đành lòng đánh đổi tự do và hạnh phúc con người để xây dựng trật tự phong kiến.

Dù vậy, tự thâm sâu, Nguyễn Du không phải là một người nghệ sĩ phi chính trị. Chính trị của ông đo bằng thước đo của nhân tâm và thú vị thay, chính trị đó lại tìm thấy ngay trong nghệ thuật ngôn từ của ông. Ngã ba đường lịch sử mà con người xã hội Nguyễn Du đối diện được ánh xạ ngay trong ngã ba đường văn học mà con người nghệ sĩ Nguyễn Du phải chọn lựa.

Nguyễn Huy Thiệp có một ẩn dụ sắc sảo nhưng cũng đầy bất công với Nguyễn Du: đó là đứa con hoang của văn học Trung Quốc với bà mẹ Việt. Nhìn từ thời đại toàn cầu hóa và hội nhập văn hóa ngày nay, thật khó nói rằng chỉ những sáng tạo “thuần chủng” mới là giá trị của văn học một dân tộc. Racine đã xây dựng Le Cid, Goethe đã sáng tạo Faust từ việc tiếp thu văn học thế giới. Nguyễn Du không phải là người nghệ sĩ phong bế trong bốn bức tường của định kiến nghệ thuật, ngay cả trước khi ông có điều kiện bước chân ra khỏi biên giới, tiếp xúc trực tiếp với nền văn hóa Trung Hoa phong phú, đa dạng và hoành tráng.

Cuối thế kỷ 18 – đầu thế kỷ 19, khi xã hội Việt Nam bước đầu chứng kiến sự hình thành của yếu tố hàng hóa và tấng lớp thị dân, tiểu thuyết Minh Thanh được du nhập vào nước ta chủ yếu bằng con đường thương mại, được bày bán trong các hiệu sách ở Thăng Long, Hưng Nguyên (Nghệ An), Thanh Hà (Phú Xuân), Hội An, Gia Định, Hà Tiên. Loại tiểu thuyết này thu hút độc giả miền Nam nhiều hơn độc giả miền Bắc vốn ưa chuộng văn học đời Đường Tống. Nguyễn Du đã chọn Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân chủ yếu không nhằm bảo tồn văn hóa cổ, xiển dương đạo lý truyền thống, đề cao những tấm gương anh hùng nghĩa hiệp như một số trí thức, văn nghệ sĩ Nam Bộ sau này. Ông chọn Kim Vân Kiều truyện, một tác phẩm “văn học thị trường” của Trung Quốc, nếu không phải vì nhận ra Thúy Kiều là người “cùng một hội một thuyền” với mình như Trần Trọng Kim ức đoán, thì cũng vì thấy câu chuyện đau lòng ở xứ sở láng giềng này hô ứng với tiếng nói nghệ thuật mới mà ông muốn cất lên trong văn cảnh dân tộc mình.

Hơn một năm ròng đi sứ giúp Nguyễn Du nhận thức sâu sắc hơn những mâu thuẫn và nghịch lý của xã hội và văn hóa Trung Quốc. Những nhà nghiên cứu muốn khẳng định giá trị hiện thực trong tác phẩm Nguyễn Du thường trích câu nói của Engels viết về Balzac để liên hệ với sự thay đổi nhãn quan nghệ thuật của Nguyễn Du trước “những điều trông thấy”. Cái thấy, cái nghĩ của Nguyễn Du thời gian này, được ghi lại trong Bắc hành tạp lục, chứng tỏ ông không choáng ngợp trước tầm vóc về địa lý và văn hóa của nước láng giềng Trung Hoa. Thậm chí ông còn tỏ ra thất vọng về con đường Trung Hoa – con đường Trung Hoa không bằng phẳng, không khoáng đạt như ông từng nghe ca ngợi. Phải chăng điều ấy cũng thể hiện sự hoang mang về giới chính trị Trung Hoa, về mô hình Trung Hoa:

Mọi người đều nói đường Trung Hoa bằng phẳng,

Đường Trung Hoa lại như thế này ư!

Sâu hiểm quanh co như lòng người.

(Cộng đạo Trung Hoa lộ thản bình,

Trung Hoa đạo trung phù như thị,

Oa bàn khuất khúc tự nhân tâm)

Ninh Minh Giang chu hành

Ông chứng kiến biết bao “Những điều trông thấy”, và nhìn xã hội, con người Trung Hoa cũng điềm tĩnh và gan ruột như nhìn xã hội, con người Việt Nam không một chút mặc cảm tự ti. Ông nhìn thấy sự phân đôi trong lịch sử và xã hội Trung Hoa: có Trung Hoa của những kẻ thống trị sâu hiểm, trí trá, hám lợi, hám lập đại công; có Trung Hoa của những người lương thiện, những trí thức tài năng bị phí báng, dọa đày; có Trung Hoa của những kẻ giàu có, thừa mứa, có Trung Hoa của  những người tha phương cầu thực, gầy gò, rách rưới, chết đói. Và ông lựa chọn chỗ đứng cho người nghệ sĩ trước tình trạng ngã ba hiện thực ấy: đứng về phía những Tỷ Can, Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Văn Thiên Tường; những ông già hát rong ở thành Thái Bình, những người chết đói bên vệ đường trong cuộc chạy loạn, bốn mẹ con ăn xin mà ông thấy dọc đường, người đẩy xe trên đường nắng rát ở Hồ Nam… Vượt lên trên những định kiến hẹp hòi phân chia biên giới quốc gia, ông tìm thấy mối đồng cảm giữa mình với những người Trung Hoa khốn khổ kia ở tính người, ở kiếp người vất vả, khổ đau:

Anh đẩy xe kia quê ở đâu,

Mình nhìn nhau, thấy đều vất vả như nhau.

(Hà xứ thôi xa Hán,

Tương khan lục lục đồng)

Hà Nam đạo trung khốc thử/ Nắng rát trên đường đi Hà Nam

Một người được đào luyện trong môi trường văn hóa phong kiến như Nguyễn Du tất không thể không nể trọng những lề lối làm khuôn thước cho văn chương Trung Quốc. Nhưng ông không thấy mình bị phân đôi giữa ảnh hưởng của văn học Trung Quốc và văn học Việt Nam, giữa văn chương bác học và văn chương dân gian, giữa chữ Hán và chữ Nôm. Những bài thơ mang phong vị cổ điển tìm thấy hình thức thơ chữ Hán; còn Truyện Kiều với thể thơ lục bát, Văn chiêu hồn với thể thơ song thất lục bát thì được chuyển tải bằng chữ Nôm. Tác phẩm của ông dung hợp những điển cố uyên bác trong thi liệu Trung Hoa với lời ăn tiếng nói uyển chuyển, dung dị của người dân Việt bình thường trong những vần ca dao, những bài dân ca, để sáng tạo ra một thứ tiếng Việt văn hóa, tiếng Việt nghệ thuật đạt đến trình độ sâu sắc, tinh tế hiếm có. Đó hẳn không phải điều ngẫu nhiên mà có chủ đích nghệ thuật của một người nghệ sĩ muốn tìm những cách nói hiệu quả nhất với dân tộc mình, nhân dân mình.

Nỗi sợ chính thống từng ám ảnh tầng lớp trí thức phong kiến trước đây cũng đã không chừa Nguyễn Du. Con người có tính cách rụt rè khi giao tiếp đó phải chăng là kẻ tự kiêu ngầm như Đại Nam chính biên liệt truyện nhận xét hay là người chỉ có đủ dũng khí khi đối diện với trang văn. Dù chưa nghe tận tai những lời đả kích thô bạo như của Tự Đức sau này, Nguyễn Du cũng hình dung phần nào những phản ứng bất lợi của dư luận chính thống về tác phẩm của ông, khi ông tiên liệu sự đồng cảm muộn màng đến ba thế kỷ. Biết lách đi giữa cái thế kẹt của lịch sử, Nguyễn Du cũng biết hóa giải những ràng buộc của triết lý, mỹ học và thị hiếu chính thống đương thời. Khi cần thiết, Nguyễn Du dừng chân lại trong giới hạn của truyền thống để chờ đợi độc giả của mình chuẩn bị kỹ càng để cùng đi về thời hiện đại.

Hơn 200 năm qua, Nguyễn Du và cách riêng, Truyện Kiều của ông đã hiến mình cho những khám phá học thuật, cho cả những cuộc tranh luận lắm khi quyết liệt, không khoan nhượng. Tác giả im lặng, còn tác phẩm thì dâng sẵn đón chờ, gợi mở những lời tường giải. Như một thỏa thuận ngầm không quy ước, Nguyễn Du và Truyện Kiều không cho phép người ta phán quyết một lần cho tất cả. Đó là tâm sự hoài Lê hay tiếng kêu trầm thống trước quyền sống con người? Trung, hiếu, tiết nghĩa là bộ xương khô hay căn cốt đạo đức của tác phẩm? Giải pháp chữ Tâm chỉ là giá trị biểu kiến hay chính là thực chất tư tưởng của nó? Thiền học, phong cách học, thi pháp học, phân tâm học, chủ nghĩa hiện sinh liệu có thẩm quyền đến mức nào khi can thiệp vào việc lý giải thế giới nghệ thuật của tác phẩm? Truyện Kiều không hề đóng sập cửa trước những viễn cảnh khoa học ấy. So với cuộc du hành của Nguyễn Du, Truyện Kiều đã đi xa hơn người sinh ra nó biết bao nhiêu cả về không gian địa lý lẫn không gian văn học.

Không ai chọn sẵn cho ta con đường trong cuộc đời và trong nghệ thuật. Cũng không có con đường nào giống nhau trong thế giới của sáng tạo. Đó là bài học lớn mà Nguyễn Du để lại cho hậu thế. Trước những ngã ba đường, Nguyễn Du đã lựa chọn trong hoàn cảnh của ông. Bạn đọc của ông cũng lựa chọn trong hoàn cảnh của họ. Nhưng từ sự lựa chọn của mình, ông gợi ý cho họ một thái độ, một cách trả lời trước những khúc quanh lịch sử, trước những ngã ba đường. Hôm qua và hôm nay, ông vẫn hiện diện cùng các thế hệ hậu sinh trong cuộc đấu tranh với những phường “hổ báo”, “ruồi xanh”, trong những giao tiếp văn hóa và chính trị với thế giới chưa bao giờ gần gũi như bây giờ, trong nỗ lực cứu vớt và khôi phục những gương mặt người bị chìm khuất sau màn đêm của vô minh và trong niềm hy vọng không bao giờ nguôi về tự do, hạnh phúc.

  1. P. – Đ. L. G.

(Đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Du, Đoàn Lê Giang, Huỳnh Như Phương tuyển chọn, NXB. Đại học Quốc gia TP.HCM, 2015, tr.3-9; )

* GS-TS.Huỳnh Như Phương, PGS-TS. Đoàn Lê Giang, Giảng viên Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM

Bài viết khác

Tác giả: minhtri